Tháng 5 năm 1934, Bầy Trứng Rồng, bầy Sói đầu tiên của phong trào Hướng đạo Việt Nam (cũng là Hướng đạo Đông Dương) do Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập và giao cho chị Lê Thị Lựu phụ trách (sang đến năm 1935 thì Bầy trưởng là anh Ngô Bích San).
Chân dung họa sĩ Lê Thị Lựu.
Chị Lê Thị Lựu sinh ngày 19 tháng 1 năm 1911 tại làng Thổ Khôi, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc về biên giới quận Long Biên, Hà Nội). Chị tốt nghiệp thủ khoa Khóa 3 Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole Supérieure des Beaux-Arts de L'Indochine) vào năm 1932. Thời sinh viên chị kết bạn với anh Ngô Thế Tân[1] là một sinh viên Trường Cao đẳng Nông Lâm Hà Nội và cũng là một Thiếu trưởng đoàn Hùng Vương và Tráng trưởng đoàn Bố Vệ.
Lê Thị Lựu thời còn ở bên Pháp.
Năm 1935, nhân trại Họp bạn toàn quốc mang tên “Huynh Đệ” được tổ chức tại sân vận động Mayer Sài Gòn, chị Lê Thị Lựu cùng anh Ngô Thế Tân đều có mặt chung với đoàn Bắc-Hà. Đặc biệt trong kỳ trại này chị đã kết hợp sử dụng 5 thứ ngũ cốc để sáng tạo chân dung vị sáng lập ra phong trào Hướng đạo Thế giới là Huân tước Baden Powell, đã khiến cho nhiều người khen ngợi tài năng của chị.
Lê Thị Lựu.
Lê Thị Lựu.
Bức tranh ngũ cốc đó có kích thước cỡ 1m x 0,8 m được trân trọng treo trước cổng trại họp bạn. Theo một số Trưởng hướng đạo cho biết, chị còn là người thiết kế mẫu huy hiệu “Hướng đạo Việt Nam” với biểu trưng được cách điệu từ hoa sen, và mẫu huy hiệu này sau đó được nhiều báo giới thiệu[2].
Bầy trưởng Lê Thị Lựu chụp ảnh lưu niệm với Trưởng Trần Văn Khắc , nhân dịp Tr. Khắc qua Pháp chữa bệnh năm 1949. Ảnh này do gia đình Tr. Khắc cung cấp, báo Liên Lạc đăng trong số 47, tháng 9, 2003.
Vợ chồng Lê Thị Lựu tại Pháp (Ảnh_Báo Liên Lạc)
Trong suốt khoảng thời gian 1932 đến 1939, chị Lê Thị Lựu đã là người phụ nữ Việt Nam có tiếng. Tên tuổi của chị xuất hiện qua những bài thơ (bút danh Thạch Ẩn), bài văn (bút danh Văn Đỏ), những bức tranh trên các tạp chí đương thời như Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới, Ngày Nay… Chị Lê Thị Lựu còn dạy vẽ tại các trường như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn).
Người phụ nữ đứng trong hình là chị Lê Thị Lựu (Sói Dí Dỏm) Bầy trưởng Bầy Trứng Rồng, một trong những bầy Sói đầu tiên ở Đông Dương do Tr Hoàng Đạo Thúy thành lập tại Hà Nội khoảng năm 1934.
Năm 1939, chị Lê Thị Lựu kết hôn với anh Ngô Thế Tân, và sau đó chẳng may chị lâm bệnh nặng nên phải sang Pháp chữa trị. Thời gian này phát xít Đức xâm chiếm Âu châu, nước Pháp bị đe dọa và bị dội bom khốc liệt, anh chị trở thành nạn nhân và những nhân chứng lịch sử của Đại thế chiến thứ hai.
Chị Lê Thị Lựu và đoàn Hướng đạo Bắc-Hà đến tham dự trại Họp bạn Huynh Đệ được tổ chức tại sân vận động Mayer Sài Gòn năm 1935.
Cũng trong giai đoạn lịch sử đó, hai người đã có một người con đặt tên là Ngô Mạnh Đức (sau này trở thành kiến trúc sư và làm việc tại Pháp).
Trong suốt quảng đời của chị Lê Thị Lựu ở Pháp, chị đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa, một số được triển lãm, một số bị lưu lạc, tản mát, và một số được đem bán đấu giá. Phần lớn những tác phẩm của chị được vẽ trên lụa và một ít sơn dầu, chủ đề mang đậm tính chất rất Việt Nam và Á đông, đề tài thường về thiếu nữ, trẻ em, tình mẫu tử….
Biểu tượng Baden Powell do chị vẽ được trưng trong dịp đón tiếp Tr. André Lefèvre từ Pháp quốc đến thăm Hướng đạo Nam Kỳ.
(Ảnh: báo Thẳng Tiến)
Tóm lại là chị có khoảng 300 tác phẩm hội họa, trong đó có một số được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Tên tuổi của Lê Thị Lựu thực sự đã đứng ngang hàng với các tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam sau này như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cấn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Phổ…
Chị có tên Rừng là Sói Dí Dỏm, lìa Rừng ngày 6 tháng 6 năm 1988 tại biệt thự An Trang, Spéracèdes (miền Nam nước Pháp) thọ 77 tuổi. Di hài của chị đã được hỏa táng, và theo như ý nguyện của chị, hài cốt được thỉnh trong một bình tro và đã được đem về Việt Nam, quê hương yêu dấu của chị[3].
………………………………..
[1] [3] Trưởng Ngô Thế Tân, đã có nhắc đến trong các tiêu điểm số 34 & 50. Trong tờ Liên Lạc bộ mới số 23, phát hành tháng 6 năm 1997, trang 4 có đề cập đến lá thư của ông Ngô Thế Chụ (là anh họ của Tr. Tân) có ghi: “Chú Tân tôi lập gia đình với cô Lê Thị Lựu…Thím Lựu đã từng giữ chức Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa (NV). Sau đấy, Chú Thím Tân đã chọn lựa sang lập nghiệp bên Pháp năm 1939.” Và trong một đoạn thư của Tr. Trâu Hiền Đào Trọng Cương có báo tin từ Ngô Mạnh Đức cho biết Tr. Ngô Thế Tân “đã mất ngày 25 tháng 2 năm 1997…hưởng thọ 87 tuổi.” Cũng như ý nguyện của Tr. Tân, tro cốt của Trưởng cũng đã đem về Việt Nam cùng quyện chung với Tr. Lê Thị Lựu bay phủ trên quê nhà, nơi mà cặp đôi hoàn hảo này đã từng một thời có nhiều kỷ niệm.
[2] Xem bài “Họa sĩ Lê Thị Lựu: Vượt trên những kỷ lục…” đăng trên trang mạng http://vnca.cand.com.vn/…/Hoa-si-Le-Thi-Luu-Vuot-tren-nhun…/
----------------------
Xem thêm :
https://www.facebook.com/anhmy.tran.73/posts/1281474248550558
Kính gởi Quý ace sưu tầm tư liệu Hướng Đạo Việt Nam trên Thế Giới kính mến;
Trả lờiXóaXin cho biết:
1/. HOA SEN CÁCH ĐIỆU của Chị Lê Thị Lựu vẽ cho HĐVN hình dáng ra sao ạ?
2 /. Được Hội Nghị Huynh Trưởng nào công nhận (Ngày Tháng Năm?)
3 /. Và vì lý do nào HĐVN lại thay đổi cách gọi: Từ HOA SEN mà gọi thành HOA BÁCH HỌP?
Rất mong Quý ace tay trái phúc đáp và cho thông tin.
Kính.
Chào anh,
XóaBiểu tượng hoa sen/bách hợp của chị Lựu vẫn được dùng cho Hướng đạo Việt Nam, anh có thể xem hình ở vi.wikipedia.org/wiki/Hướng_đạo_Việt_Nam
Hoa bách hợp, chính xác hơn là bách hợp cách điệu (fleurs-de-lis), là biểu tượng của Hướng đạo toàn cầu, nhưng mỗi địa phương được quyền điều chỉnh theo văn hóa, cánh giữa f-d-l được chị Lựu cách điệu tinh tế thành một búp sen.