Trưởng Tổng ủy Viên biết tôi ở Hà Nội lâu năm. Có nhiều dịp quen biết và gần gũi Trưởng Hoàng Đạo Thúy từ khi tôi còn là một thiếu sinh 12 tuổi. Trưởng Tổng Ủy Viên đã đề cử tôi kể lại những gì biết về Trưởng ấy cũng như những hoạt động của Trưởng từ lúc có phong trào Hướng Đạo.
Vào cuối thập niên 20 sang đầu thập niên 30 nổi lên rầm rộ phong trào thanh niên và thể thao, có thể kể lại một số phong trào như:
- Audax
- Phong trào thể thao điền kinh
- Phong trào quần vợt nam, nữ
- Quán trọ thanh niên cùa giáo sư Hoàng Gia Linh
- và nhất là đoàn Đồng Tử Quân, sau đổi là Lữ Hành Đoàn rồi tới Hướng Đạo.
Lữ Hành Đoàn đồng phục như Hướng Đạo, đi đâu cũng mang theo dụng cụ cắm trại, tới chỗ nào thì dừng lại cắm trại, biểu diễn và đóng kịch.
Nhận được một số sách Hướng Đạo bên Pháp gửi sang, anh em bắt đầu nghiên cứu. Tiếp đó. báo Trung Bắc Tân Văn xuất hiện những bài về Hướng Đạo như: lịch sử, phương pháp, chuyên môn, tổ chức sinh hoạt của 2 tác giả Ba Tô (tức Hoàng Đạo Thúy) và Phạm Văn Bính ( Trưởng Bính sau này là Thủ hiến Bắc Việt)
Các Trưởng đầu tiên gồm có Trần Văn Khắc, Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Đồ Đức Thực, Ngô Thế Tân cùng với Trưởng Bernard Kỹ sư mỏ Hòn Gai.
Các đoàn đầu tiên và phát triển phong trào gồm có 4 đoàn :
- Hà Nội I là Lê Lợi, trưởng Trần Văn Khắc
- Hà Nội II là Vạn Kiếp, trưởng Hoàng Đạo Thúy
- Hà Nội III là Hùng Vương, trưởng Ngô Thế Tân, sau trưởng Trần Duy Hưng thay.
- Hà Nội IV là Hoàn Kiếm, trưởng Vương Trọng Thành.
Sau đó thêm Đoàn Lãng Bạc, rồi tới Hồng Bàng.
Khi các đoàn được thành lập vững vàng, Trưởng Thúy và Trưởng Ngô Bích San lập ra bầy Sói Nùng Sơn; và chị họa sỹ Lê Thị Lựu vợ Trưởng Ngô Thế Tân lập ra Bầy Trứng Rồng.
Vào tháng 7-1933 có cuộc họp bạn tại làng Xuân Tảo tập họp được 500 đoàn sinh.
Ngày mồng 5 Tết 1935, Trưởng Thúy cùng anh em tổ chức đón tiếp trường André Lefèvre tại rừng Sặt. Trưởng Lefèvre có dạy anh em hát bài "Si tous les gens du monde“ và trưởng Thúy tiếp lời cắt nghĩa “Bốn biển anh em một nhà”.
Sau đó trưởng Thúy lập ra Tráng Đoàn Lam Sơn đặt trụ sở tại Văn Miếu. Lần lần anh em vào đông quá lập thêm 2 Tráng Đoàn nữa là Tráng Đoàn Bồ Vệ và Tráng Đoàn Nhị Khê thu hút được nhiều thành phần ưu tú (như Tôn Thất Tùng, Lưu Hữu Phước...) Và số người lớn tuổi. Từ đó Trưởng Thúy lập ra Xưởng chuyên môn - và các lớp huấn luyen trưởng Phù Đổng I Bi Pi.
Tráng đoàn cũng hướng về văn hóa dân tộc đi sâu và khảo cứu lịch sử, sưu tầm dân ca như bài “Mảy gió mây”
Công tác xã hội phải kể đến là truyền bá quốc ngữ, thăm viếng các trại thiếu niên phạm pháp, nhà thương tâm thần, tổ chức các cuộc lửa trại tại các viện bảo anh, viện tể sinh. Đặc biệt Tráng đoàn có những buổi họp làng cổ truyền.
Các khóa huấn luyện Phù Đổng Bi Pi được tổ chức liên tục cũng như các buổi hội thảo và diễn thuyết về phương pháp hướng dạo. Năm 1936, cụ Raymond Schlemmer, Chủ Tịch Hội Hồng Thập Tự Thế Giới cũng là Tổng ủy Viên Hướng Đạo Pháp sang Việt Nam thành lập Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương. Từ đó, Trưởng Thúy cộng tác chặc chẽ với Trưởng Raymond và một số Trưởng khác để tổ chức Hội và các khóa huấn luyện có các Trưởng Dã (Mã) Võ Thanh Minh, Tạ Quang Bửu, Cung Giũ Nguyên, Trần Điền làm huấn luyện viên.
Từ năm 1943,1944 trở đi, Trưởng Thúy phải liên tục có mặt tại trại trường Bạch Mã trong những tháng hè. Anh em mời chị Thúy và các cháu lên trại vừa giúp đỡ cho trại sinh vừa nghỉ hè...
Nói đến Trưởng Thúy tôi lại liên tưởng Trưởng là một giáo viên tiểu học trường Jambert (Hàng Than). Ông giáo Thúy nổi tiếng dạy giỏi và nghiêm khắc, học trò cũ nhắc lại với sự kính phục. Trưởng Thúy là một người giản dị trong sạch, điển hình là chiếc xe đạp của Trưởng tróc sơn, không chắn bùn, không dây thắng (chúng tôi hồi đó vẫn hỏi đùa nhau: không biết bao giờ Trưởng Thúy mới đem chiếc xe đạp gởi vô viện bảo tàng Louvre bên Pháp). Nhưng chiếc xe đó Trưởng Thúy đã dùng đi khắp nơi tới những trại xa hàng trăm cây số như Đồng Châu, Hoa Lư. Sau trận ném bom vào thành phổ Hà Nội, Trưởng Thúy và một số giáo vìên bị trưng dụng ra làm việc tại phòng kinh tế Tòa Đốc Lý. Khi ấy tôi là một công chức tại đó, tôi có nhiệm vụ phân công cho các thầy làm giấy tờ tản cư dân thành phố và tiếp tế lương thực cho họ. Vì tôi là đoàn sinh của Trưởng Thúy, tôi e ngại khi phải phân công cho Trưởng Thúy. Trưởng Thúy bảo: “Chú mày cứ làm theo bổn phận chia việc cho các anh, đừng ngại gì cả”.
Nơi tôi làm là phòng kinh tế chuyên về phân phối gạo, thực phẩm theo sổ gia đình hoặc các phiếu đặc biệt cho dân thành phố là loại cao cấp từ tham sự hành chánh trở lên và các tay thực dân. Nơi này vừa có quyền hành vừa dễ bị cám dỗ (ăn bớt ăn xén lương thực).
Trưởng Thúy thấy vậy sợ tôi sa ngã có khuyên tôi: “Đừng thấy người ta làm bậy mà mình bắt chước, nếu giống người ta thì mình không phải là mình nữa". Trưởng Thúy là một người rất trong sạch. Thấy gia đình Trưởng túng thiếu, tôi cấp sổ cho gia đình Trưởng lãnh thực phẩm nhưng phải dặn chị Thúy dấu không cho Trưởng Thúy biết, sợ Trưởng mắng.
Những ngày cuối năm 1944. thời thế biến chuyển, Toàn quyền là Đô Đốc Decoux biết rõ công lao cũng như tiếng tăm của Trưởng Thúy, có mời Trưởng đến đề nghị trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la légion d’Honneur) nhưng Trưởng thẳng thắn từ chối cho là mình không xứng dáng Huy chương này, chi có hàng Tuần Phủ,Tổng Đốc mới được.
Đặc biệt Trưởng Thúy không biết hát, Trưởng chỉ biết có bài "Anh hùng xưa”. -Nếu có giục quá, Trưởng hát một bài hát thượng du. Trưởng Thúy nghiện thuốc (hút ống pipe) nhưng ít người biết vì mỗi lần hút. Trưởng giấu kín hay ra xa trại hút một mình.
Về học lực, bằng cấp Trưởng chỉ có bằng DEPSI nhưng các bài giáng khóa bằng tiếng Pháp ở các trại HL thâm thúy và lưu loát khiến các Trưởng ngoại quốc nể vì. Có nghe bài giảng khóa của Trưởng Thúy mới thấy trình độ hiểu biết của Trưởng rất sâu rộng và ăn nói rất lưu loát. Trưởng Thúy còn viết các bài đăng trong báo Hướng Đạo bằng tiếng Pháp, lấy bút hiệu “tigre édenté ”, ta mới biết Trưởng Thúy rất tài. Trước tháng 8-1945 tôi không còn được gặp Trưởng Thúy nữa, vì Trưởng đã vào chiến khu chống Pháp.
Võ Văn Thơm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét