SEARCH

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

60. Những năm gian khó.

Sau năm 1975, phong trào Hướng đạo tại Việt Nam bị tê liệt hẵn, Hội Hướng Đạo Việt Nam phải giải tán và không còn là hội viên chính thức của Tổ chức Hướng đạo Thế giới (WOSM). Phong trào lại bước sang giai đoạn khó khăn!

Tuy nhiên, để giữ lửa, hầu hết các Trưởng đều cố gắng mang lửa và bộc phát theo cách riêng của mình tùy theo điều kiện và môi trường sẵn có.

Những năm tháng đầy gian khó đã có những ngọn lửa bùng lên ở Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Đức, Đà Lạt, Gia Lai, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương, Nha Trang…và ở cả Cần Thơ nữa!

Không ai có thể phủ nhận, nhiều Huynh Trưởng đã hy sinh và bất chấp mọi khó khăn để khơi dậy ngọn lửa hồng, đem kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ và hun đúc, gây dựng những mầm non tương lai cho phong trào. Khó có thể mà hình dung được ai là những người tiên phong gánh vác trách nhiệm, chịu những thử thách trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước!

Không phải đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào Hướng đạo tại Việt Nam, mà ngay từ khi còn trong trứng nước, dưới thời thực dân Pháp, phong trào Hướng đạo Việt Nam đã phải dựa vào các trường Tây, nhà Dòng, các tu sĩ truyền giáo người Pháp để có thể sinh hoạt Hướng đạo một cách thoải mái và an toàn trong thời kỳ mà phong trào yêu nước đang nổi dậy ở khắp các nơi và mật thám Pháp bao trùm ở mọi nẻo![1]

Cũng dựa vào tổ chức của Hướng đạo Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ là Scouts de France (Éclaireurs de France) nên sinh hoạt của các Trưởng và Hướng đạo sinh Việt Nam (ở cả 3 kỳ Nam-Trung-Bắc) được hợp pháp[2] hơn. Sau đó, người Pháp gom lại một mối để dễ kiểm soát và lệ thuộc vào họ thành một tổ chức gọi là Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Féderation Indochine des Associations du Scoutisme)[3] chính thức thành lập từ năm 1937.

Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền cai trị Đông Dương, phong trào cứu quốc vẫn rầm rộ dấy lên, Hướng đạo Việt Nam phải tránh mọi thủ đoạn chính trị trong và ngoài. Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc lần đầu tiên nhóm họp tại Hà Nội năm 1946 cũng là lần cuối cùng trong bối cảnh lịch sử khó khăn này đã quyết định vai trò và hướng đi của mình. Một số trưởng đã dứt khoát, treo khăn từ bỏ phong trào, sang hẵn mặt trận đấu tranh chính trị để không làm tổn danh một phong trào Hướng đạo đã có từ năm 1907 và nhiều nơi khác trên thế giới![4].

Số Trưởng và Hướng đạo sinh Việt Nam còn lại trong phong trào vẫn tiếp tục sứ mạng của mình trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1951. Phong trào tái sinh hoạt lại từ năm 1952 với Quy trình mới của Hội Hướng Đạo Việt Nam được soạn thảo thay cho Quy trình 1946.

Từ năm 1954, Việt Nam chia đôi thành hai chính thể riêng biệt. Phong trào Hướng đạo tại miền Bắc phải tự động rút lui vì không còn phù hợp với đường lối chính trị đương thời[5]. Miền Nam vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển phong trào, tính đến năm 1974, tổng số đoàn sinh lên tới 14 ngàn 452 người.[6]

Nhiều trại họp bạn toàn quốc diễn ra tại miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, đầu tiên có Trại họp bạn “Phục Hưng” tại Công viên Quốc gia Trảng Bom vào dịp Giáng Sinh năm 1959 đã đánh dấu sự phục hưng của phong trào.

Trải qua hơn 20 năm sinh hoạt, phong trào Hướng đạo Việt Nam đã chứng minh được sự hiện diện của mình, tham dự nhiều hội nghị Hướng đạo có tầm cở Quốc tế trong vùng Á châu-Thái Bình Dương và xa hơn nữa là cả Thế giới… tất cả đều có bóng dáng của Hướng đạo Việt Nam!

Cuối tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến phong trào Hướng đạo Việt Nam. Do điều kiện chính trị thay đổi, phong trào không được thừa nhận và sự ủng hộ của chính quyền, cho dù sự hồi phục và phát triển có tiến bộ hơn nhưng chỉ là những cố gắng mong manh trong quá trình để được xem như là một hội đoàn được tái lập lại[7].

Ở một đất nước mà chính thể hoàn toàn khác với Nga, Ban lan, Tiệp Khắc, Mông Cổ… hay cả ở một nước láng giềng là Cambodia, thì phong trào Hướng đạo tại Việt Nam vẫn đang đứng bơ vơ trong dòng lịch sử của dân tộc, trong một chặng đường nhiều quanh co trở ngại trước mắt những gian khó phải vượt qua, và trong một bối cảnh mà đường hầm chưa hé được một tia sáng!

Chúng ta cảm ơn sự dẫn dắt của thế hệ đàn anh, của các Trưởng lão và nhiều người khác nữa, đã tiếp tục từ “sinh hoạt chui”[8], phục hoạt cho đến công khai[9], từ những khó khăn và hạn chế để đã mang lại cho thệ hệ trẻ chúng ta ngày nay những màu sắc Hướng đạo thật tuyệt vời, cho dẫu có gian khó ngày nay, nhưng vẫn còn nhiều hy vọng cho ngày mai!

Hướng đạo một ngày là Hướng đạo mãi mãi, đúng như những ai đã từng thấm thía với ý nghĩa này.

Les Scouts de Kontum_1935
Missions Etrangeres de Paris.

Một đơn vị Hướng đạo Việt Nam được thành lập tại Kontum vào năm 1935 dưới sự cố vấn của Cha đạo người Pháp.


Bài báo của ký giả Graham Hutchings đăng trên tờ Sunday Telegraph ngày 6-11-1994.
(Ảnh được cung cấp bởi Tr. CTL theo yêu cầu của Khai Phá/Kha đoàn HĐ Bạch Đằng).


Các trưởng lãnh đạo phong trào vẫn luôn luôn giữ vững mối dây, họp mặt nhau trong những dịp lễ...như trong tấm hình này vào dịp kỷ niệm Sinh nhật Huân tước Baden Powell vào năm 1983 tại Sài Gòn.
(Ảnh: GXH)


những cây cổ thụ của phong trào Hướng đạo Việt Nam, những người mang lửa về tim và giữ vững tinh thần Hướng đạo bất diệt! (Ảnh: Gíup Ích)


Mối ưu tư của các trưởng, phong trào sẽ đi về đâu nếu không có sự cố gắng và hy sinh của họ?


Tất cả cũng vì phong trào và các em!

Trưởng Lê Hữu Quyến đang quan sát các em sinh hoạt ngoài trời.
(Ảnh: FB Quyến Đinh Hữu)

Khóa dự bị Thiếu, tháng 3 năm 1997.
(Ảnh: Lạc Đà Cần Mẫn Phan Gia Lâm)

Ngày 11 tháng 3 năm 1994. Thành viên trong phái đoàn UNESCO đến Việt Nam trong 7 ngày có Trưởng Kim Kyu Young, Giám đốc Điều hành Văn phòng Á châu-Thái Bình Dương (APR) thuộc Tổ chức HĐTG (WOSM). Trưởng Kim đã được tiếp đón rất thân mật tại Sài Gòn và đã gặp gỡ rất nhiều trưởng trong phong trào Hướng đạo Việt Nam, trong đó có các trưởng: Cung Giũ Nguyên, Trần Văn Lược, Trần Văn Hợp… 
(Ảnh: GHX)

Các trưởng ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ đón trưởng Kim Kyu Young đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, ngày 11 tháng 3 năm 1994.
(Ảnh GHX)

Tráng đoàn Minh Trí, một trong những đơn vị Hướng đạo sinh hoạt mạnh tại Sài Gòn sau năm 1975.
(Ảnh BN)

Một buổi lửa trại của Tráng đoàn Minh Trí.
(Ảnh: BN)
Các trưởng tại trại trường Tùng Nguyên năm xưa, dấu vết cũng còn đây...

Liên đoàn Non Nước sinh hoạt tại công viên Hoàng Văn Thụ trong những năm khó khăn của phong trào.
(Ảnh tư liệu)
Văn thư của BCH TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam về Ý kiến của Ban Bí Thư về những hoạt động Hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố, 20 tháng 5 năm 2008.
(Ảnh tư liệu)

Trưởng Trần Hữu Khuê, từng là Đạo trưởng Đạo Cửu Long, nguyên Ủy viên Ngành Tráng Bộ TUV Hội HĐVN trước năm 1975. Tham gia kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, nhiều lần trong tù, bị Tòa án Quân sự Mặt trận kêu án 20 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ. Từng được Đảng ủy cử làm Bí thư Đảng Đoàn Hướng Đạo. 
Từ 1996, trưởng ban Liên lạc lâm thời HĐVN tại Tp HCM, bốn lần gởi thỉnh nguyện thư lên Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam yêu cầu tái lập lại HĐ. Trưởng đã từng viết một số bài về phong trào Hướng đạo trên một số báo và tạp chí tại Việt Nam.
Dưới đây là một đoạn trích trong mục Trâu Cần Cù TRẦN HỮU KHUÊ, sách “Chuyện Kỳ Thú Về 4.875 Dân Rừng Bách Hợp” của Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn, trang 755: 
“Chủ nhật hôm ấy LĐ Bạch Đằng của Tr.Trần Trung Du và LĐ Non Nước của Tr. Lương Hải đang sinh hoạt ở công viên Hoàng Văn Thụ thì Công an đến bắt giải tán vì không có Giấy phép. Ai chủ trương việc sinh hoạt này? Túng quá các em nói đại tên Tr. Trần Hữu Khuê. Mấy hôm sau Tr. Khuê nhận được Giấy mời trình diện Công an Quận Tân Bình. Rất đổi ngạc nhiên vì không hiểu việc gì nhưng Trưởng Khuê cũng đến đúng giờ, lúc 1 giờ trưa. Trưởng Khuê đã trình bày cặn kẻ về hoạt động của phong trào, nêu lên những ưu việt của HĐ rồi rút thẻ Đảng để lên bàn nói tiếp: “Tôi có 50 tuổi Đảng không lẽ tôi lại sinh hoạt trong một đoàn thể bất hợp pháp sao? Yêu cầu các đồng chí để yên cho họ chơi, có gì tôi chịu trách nhiệm”. Nói xong trước khi ra về ông còn nói thêm: “Tôi là một ông già 80 tuổi mà các đồng chí mời đi giữa trưa nắng thì không ổn, lần sau nếu cần gặp tôi việc gì mời các đồng chí đến nhà hoặc cho xe đón hay mời lúc im mát chứ nếu như thế này thì tôi không đến.”
Chủ nhật sau Trưởng Khuê đến ngồi ở công viên bảo các em cứ sinh hoạt tự nhiên, cứ lo giáo dục trẻ con không bàn đến chuyện chính trị. Có gì anh chịu. Thế là yên ổn mãi cho đến bây giờ.”

Trong những năm đầu thập niên 90, trưởng Nguyễn Quang Minh đã nhiều lần trở về quê hương Việt Nam để vận động chính phủ công nhận phong trào và tái lập Hội Hướng Đạo Việt Nam. Với mơ ước và tham vọng ấy, trưởng Nguyễn Quang Minh đã từng gặp gỡ Sử gia Dương Trung Quốc (người đã sắp xếp các buổi họp mặt truyền thống các cựu Trưởng và HĐS miền Bắc), các lãnh đạo phong trào thanh thiếu niên Việt Nam, và ngay cả trưởng lão Hoàng Đạo Thúy tại Hà Nội cũng như một số trưởng thế hệ những năm 40, các trưởng ở miền Nam… Nhưng tiếc thay, sự việc đã không thành công và như mong đợi!
(Ảnh lưu trữ của Khai Phá / Kha đoàn HĐ Bạch Đằng)

Tập sách này của Piet Kroonenberg đã có ghi lại lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam và tinh thần Hướng đạo bất diệt trong suốt giai đoạn từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay.

Bóng dáng Hướng Đạo Sinh đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội, nơi đã từng là cái nuôi của phong trào Hướng đạo Việt Nam. Hình chụp vào mùa hè năm 2016.
(Ảnh: Liên đoàn Khai Minh)

Bầy Cờ Lau là một trong những đơn vị mới tái lập trong năm nay tại Huế.
(Ảnh: Thái Thuần)

Đạo Xuân Hòa là một trong những đơn vị Hướng đạo phục hoạt sớm nhất vào cuối năm 1980. Trưởng lão Cung Giũ Nguyên (nguyên Trại trưởng Huấn luyện Hội HĐVN 1958-1963) cũng đã tham gia và giúp đỡ các khóa huấn luyện đào tạo Trưởng cho Đạo Xuân Hòa trong suốt thời gian cuối đời mình vào những năm tháng “huấn luyện chui” (Ảnh: GHX)

“Sẽ tìm thấy con đường đi…,” Hoàng Đạo Thúy đã từng viết như vậy trong những năm tháng đầy gian khó. Thế thì bạn còn chần chừ gì nữa? Hãy cùng nhau cất cao lời ca: 
“Nếu có ai hỏi rằng: Anh đi Hướng đạo làm chi?
Anh đi Hướng đạo ích gì?
A! rằng thích chí, nên ta thích đi Hướng đạo, vì ta mến yêu phong trào 
xây dựng nên lý tưởng mai sau.
Ta yêu nước, ta yêu nhà, ta yêu dân tộc ta…”



………………
[1] “…trong thời kỳ đó những ai công khai nói về lòng ái quốc, hô hào lòng yêu nước thương nòi, dù chỉ nói mà chưa hành động gì, cũng bị thực dân Pháp theo dõi, cảnh cáo, hoặc bắt bớ- nhưng khi gia nhập HĐ thì lại được công khaituyen6 thệ “trung thành với tổ quốc”, được hoạt động phục vụ xứ sở và đồng bào.” (Tích một đoạn trong bài “Nửa thế kỷ Hướng đạo tại Việt Nam” của trưởng Mai Liệu, đăng nơi trang 4&5 trong tuyển tập “Phong trào Hướng đạo Việt Nam 1930-2000” phát hành tại Trại Họp bạn HĐVN 2000, San José, California.
“Nhưng cái năm 1930 ấy, Tây kìm kẹp dữ lắm. Về lý thì giấy phép, thế không là gì mấy. Muốn xẩy ra việc gì, mỗi lần đi phải báo trước với Sở Cẩm Hàng Đậu biết rõ rang, lần nào họ cũng cho người đi theo. Cũng mong cho họ biết rõ là mình chỉ hướng dẫn học trò học tập và chơi thôi.” (trích trong tập “Hội Hướng đạo Việt Nam” (bản đánh máy ghi ngày 14-4-1990, trang 4 của trưởng Hoàng Đạo Thúy). Trang 15 cũng ghi thêm: “Chừng năm 1936, Raymond Schlemmer sang, đẩy mạnh việc lập các đoàn Hướng đạo Công giáo có tuyên úy và giúp chính quyền thuộc địa nắm lấy phong trào bằng một Ủy viên Giám đốc (Comité Directeur), và ở mỗi cấp ủy viên trên đặt một người Pháp bên cạnh người bản xứ, đưa nhà Vua vào như một ân nhân.”
Trong tập “Hồi ký Lịch sử Hướng đạo Việt Nam” (Liên đoàn Chi Lăng HĐVN tại Toronto, Canada xuất bản và phát hành, 1985) của trưởng Trần Văn Khắc, nơi trang 15 có ghi: “…hồi đó Bắc Việt đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp, bất cứ một hành vi, ngôn ngữ nào cũng có thể gieo ngờ vực vào óc người Pháp. Họ nghi kỵ từng ly, từng tý. Do đó chúng tôi cần phải dè dặt, thận trọng từng lời ăn tiếng nói. Một thí dụ điển hình là lúc dịch câu tuyên-lời-hứa của HĐ từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, chúng tôi đã đắn đo suy nghĩ khá lâu, không dám dịch chữ “SERVIR LA PATRIE” ra là “PHỤNG SỰ TỔ QUỐC” mà là “Trung thành với Tổ quốc”, chỉ vì hai chữ “Phụng sự” có tính cách yêu nước, cách mạng. Rồi từ chỗ yêu nước, cách mạng đến chỗ ghét Pháp, chống Pháp…” 
Cũng trong tập sách nhan đề “Youth Mobilization in Vichy Indochina” của Bà Anne Raffin do Nhà xuất bản Lexington Books phát hành năm 2005, trang 21 trong tiêu đề “Youth of The French Empire” về các phong trào thanh thiếu niên, trong đó có phong trào Hướng đạo Việt Nam, cũng có đề cập đến tình trạng kiểm soát của người Pháp tại Đông Dương như sau: “Tuy nhiên, các phong trào này đòi hỏi sự chấp thuận của chính quyền thuộc địa để có quyền tồn tại và nhận được sự trợ giúp của chính quyền bảo hộ. (nguyên văn bằng Anh ngữ: These movements, however, required the colonial administration’s approval in order to have the right to exist and to receive assistance from the state.”
Theo như sự dẫn chứng của bà Anne Raffin thì việc xin phép phải mất 2 tháng và phải ghi rõ từng chi tiết, tên tuổi tất cả mọi người về tình trạng cá nhân, xã hội, tôn giáo và mục đích, hoạt động cụ thể. Thế niên, việc sinh hoạt của phong trào Hướng đạo Việt Nam trong thời điểm này cũng gặp phải nhiều gian khó! 
[2] Theo Báo cáo ngày 31 tháng 5 năm 1996 của Ban Liên lạc Lâm thời Hướng đạo Việt Nam do trưởng Lê Duy Thước (thư ký) nơi trang 2 có ghi rõ: “Hoạt động Hướng đạo thời Pháp thuộc (1930-1945) có nhiều hạn chế. Hễ Hướng đạo sinh hứa trung thành với Tổ quốc, nói đến yêu nước, là bị theo dõi. Nhưng các Anh huynh trưởng bấy giờ đã khéo “Việt Nam hóa” phương pháp giáo dục hướng đạo và tìm cách “hợp pháp hóa” hoạt động hướng đạo Việt Nam…”
Theo hồi ký của trưởng Hoàng Đạo Thúy (sđd, trang 3, bản đánh máy) cho biết rằng mãi đến cuối năm 1935 thì Liên hội Hướng đạo Pháp Fédération des Eclaireurs de France (EIF) mới chính thức công nhận tổ chức Hướng đạo của người Việt.
[3] Chiếu theo Nghị định số 1365 ngày 22 tháng 9 năm 1937, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định cho thành lập Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochine des Associations du Scoutisme).
Trong bản báo cáo của Jacques Lebas (Report n. 186-CGI, Hanoi November 12, 1941, CGI ,L8 444(41), unindexed, CAOM) gởi lên Toàn quyền Đông Dương ghi rõ là tổng số trong năm 1941 có tất cả 5.200 đoàn sinh trong tổ chức Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương bao gồm: 
2.250 (Hội HĐ Bắc kỳ / The Tonkinese Association of Scouts) 
1.350 (Hội HĐ Trung kỳ / The Annamite Association of Scouts)
900 (The Cochinchinese Association of Scouts)
500 (Hội HĐ Cambodia / Cambodian Association of Scouts)
200 (Hội HĐ Lào / The Laotian Association of Scouts)
(Nguồn: Youth Mobilization in Vichy Indochina, Anne Raffin, 2005, trang 72)
[4] Hoàng Đạo Thúy đã ghi lại trong hồi ký “Kể một số điểm về Hội Hướng đạo Việt Nam” (bản viết tay, 5-1-1988): “Thời cuộc đã đẩy đưa anh em hướng đạo đi tìm phương hướng cho mình, Hội Hướng đạo Việt Nam không phải là một Đảng mà có chỉ huy được. Là một khối nhiều người…Hội Hướng đạo chỉ làm việc giáo dục, lớn lên anh em sẽ tìm thấy con đường đi…” 
Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh cũng có ghi lại sự kiện này trong tập tài liệu viết tay ngày 1 tháng 7 năm 1966 tại Từ đường Sào Nam Tiên Sinh (chưa xuất bản) “Vài nét phác họa về Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam lúc khởi thủy” có đoạn: 
“1946: Quốc hội Lập hiến đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa họp ở nhà hát lớn Hà Thành, đồng thời Hội nghị Huynh trưởng và Tráng sinh toàn quốc thứ nhất của VIệt Nam cũng họp ở 82 Hàng Trống để chấp nhận Nội quy nói về cái tên Hướng đạo Cứu quốc và Mặt trận Việt Minh muốn ban cho như đã ban cho tất cả các đoàn thể khác: Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc..v..v.. Đại đa số Hướng đạo không thích cái danh dự ấy…” 
[5] Kể từ sau năm 1945, sinh hoạt của phong trào Hướng đạo ở miền Bắc trở nên giới hạn và vô cùng khó khăn, nhất là sau kỳ trại “Độc Lập” được tổ chức tại Tân Trào (Khu Đại Học Xá Bạch Mai) mà người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ là Hồ Chí Minh đã có đến viếng thăm, và sau đó nhận làm Hội trưởng Danh dự Hội Hướng Đạo Việt Nam (xem tiêu điểm số 51, Bạn Có BIết?). 
Dần dần sinh hoạt Hướng đạo bị đẩy lùi, và phong trào Hướng đạo tại miền Bắc phải chính thức rút lui và nhường lại cho những hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng Sản và Đội Thiếu Niên Tiền Phong (trang 734, “The Undaunted, Keeping the Scouting Spirit Alive: the Survival and Revival of Scouting in Central and Eastern Europe” của Piet J. Kroonenberg, Nhà xuất bản Oriole International Publications ấn bản eBook, 2011. Tham khảo tại địa chỉ: http://www.scoutmaster.ru/ru/hist/pk_und2_viet.htm). 
[6] Theo thống kê của Hội Hướng Đạo Việt Nam, tính đến ngày 31 tháng 10 năm 1974, tổng số hội viên lên đến 14.452 người thuộc 50 Đạo và liên đoàn biệt lập. Số Trưởng là 2.195 người trong số có 185 có Huy hiệu Rừng (hay Bằng Rừng), 175 Trưởng có Bằng Bạch Mã.
Tráng sinh: 882 (44 Tráng đoàn và 134 Huynh trưởng), Kha sinh: 1.332 (70 Kha đoàn, 277 Huynh trưởng), Thiếu sinh: 5.265 (246 Thiếu đoàn, 847 Huynh trưởng), Ấu sinh: 2.758 (145 Bầy, 505 Huynh trưởng).
[7] Trong thông báo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam số 157 TB/TW ngày 20 tháng 5 năm 2008 do ông Trương Tấn Sang ký thay mặt Ban Bí Thư ký, về những hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh và thành phố, có ghi rõ trong tiêu điểm thứ 2: “…cần tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn mới”.
Bản thông báo còn ghi thêm sau đó: “Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân cần hiểu rõ lịch sử ra đời, hoạt động và sự kết thúc hoạt động của các tổ chức hướng đạo ở Việt Nam từ sau khi thống nhất đất nước để nâng cao nhận thức, thống nhất hành động. Với phương châm lấy tuyên truyền, giáo dục là chính để thuyết phục quần chúng. Trước hết là số cựu huynh trưởng là cán bộ, đảng viên và các phụ huynh có con em tham gia hoạt động hướng đạo; xác định rõ trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc vận động, giáo dục thanh thiếu niên không tham gia hoạt động hướng đạo.” 
[8] Trong bài viết “Secret Scouts take on might of Uncle Ho” của ký giả Graham Hutchings tường thuật tại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) đăng trên tờ Sunday Telegraph ngày 6 tháng 11 năm 1994 có ghi lại đoạn phỏng vấn một nhà kinh tế học về nông nghiệp, người đã chuyển sang công tác xã hội, ông nói có khoảng 1.000 Hướng đạo sinh “sinh hoạt chui” ở TP.HCM như sau: “Chúng tôi có những hoạt động không chính thức trong các công viên, nhưng chúng tôi không mặc đồng phục của chúng tôi vì điều đó sẽ gây nhiều sự chú ý. Chúng tôi mặc chúng ở ngoại ô thành phố. Người dân không biết đồng phục là gì, và chúng tôi chỉ có hoạt động vào sáng sớm hoặc muộn vào ban đêm, vì vậy họ thường không nhìn thấy chúng tôi.” (We have ununofficial activities in the parks, but we don't wear our uniforms because that would draw attention to ourselves. We wear them at camps in the countryside. Country people don't know what the uniforms are, and we only have activities early in the morning or late at night, so they don't often see us).
[9] Một đoạn trong Facebook của trưởng Đinh Hữu Quyến có ghi lại ý kiến cá nhân của mình như sau: “Chính quyền vẫn cho Hướng đạo chơi công khai như hiện nay, không làm khó dễ gì các hoạt động trong nước và các giao tiếp với Hướng đạo nước ngoài, là rộng rãi lắm rồi; đây là hiện tượng chưa hề có trong các nước gọi là ‘cộng sản’.”
Ý kiến này được phổ biến công chúng trên mạng xã hội Facebook ngày 5 tháng 3 năm 2015.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét