SEARCH

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

52. Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam tại Hà Nội.

Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam, sau 45 năm tại Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1991, một buổi họp mặt đầu tiên của cựu hướng đạo sinh đã gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ thân mật dưới sự điều khiển của Trưởng Hoàng Đạo Thúy, một trong những người sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam từ năm 1930.


Ảnh của Tôn Thất Sam/GVMD

Họ là những anh chị em hướng đạo thuộc thế hệ 46, từng sinh hoạt trong các đơn vị hướng đạo đầu tiên ở Hà Nội. Mặc dầu trên dưới tuổi “cổ lai hy” nhưng buổi họp mặt đã có sức thu hút, quyến rũ thật kỳ lạ, cho dù đã gần 45 năm nay chưa bao giờ có buổi vui hội ngộ như thế! thật đúng là “Huynh đệ Nhất gia” chỉ có ở trong phong trào Hướng đạo.

Buổi họp mặt được bảo trợ bởi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội)[1] là người đã giúp buổi họp mặt thành công. Ông cũng đã có bài nói chuyện liên quan đến vai trò của Hướng đạo sinh Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp và thời kỳ cứu nước.

Đến tham dự có khách mời là anh Hà Quang Dự (Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Trọng Nhân (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cũng đã phát biểu ý kiến và tỏ thiện cảm với phong trào Hướng đạo Việt Nam. Ở Sài Gòn có trưởng Trần Hữu Khuê đại diện cho anh chị em Hướng đạo ở miền Nam cũng có mặt.

Đài truyền hình cũng đã có phóng sự đặc biệt vào đêm 30 tháng 12 về buổi họp mặt lịch sử này[2], thêm vào đó đài cũng giới thiệu những hình ảnh sinh hoạt của trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 17 tại Seoul (Nam Hàn), một trong những nét đặc sắc của phong trào Hướng đạo mà người dân Hà Nội cũng như miền Bắc nước Việt vẫn còn thấy mới lạ!

Tuy chỉ mới là bước đầu, buổi họp mặt đầu tiên cũng đã khơi động được nềm tin của phong trào với hơn 200 người tham dự, hầu hết là những người từ 50 đến 90 tuổi vẫn tha thiết và yêu mến phong trào, đã vây kín cả phòng họp lớn của Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh.

Và ngày 30 tháng 5 năm 1993, một buổi họp mặt truyền thống khác cũng đã được diễn ra. Đây là buổi họp mặt đánh dấu sự tiềm tàng của phong trào Hướng đạo Việt Nam vẫn sống còn và nhiều hy vọng trong công cuộc phục hồi.

Mặc dù sức khỏe của Tr. Hoàng Đạo Thúy có phần kém hẵn đi so với những năm trước (Hoàng Đạo Thúy lúc này đã 93 tuổi), nhưng Trưởng vẫn cố gắng họp mặt với khoảng 300 người, trong đó có gần 40 huynh trưởng và hướng đạo sinh ở miền Nam tham dự[3].

Buổi họp mặt được tổ chức tại Đình làng Đại Yên (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).

Ban Liên lạc Lâm thời cựu Hướng đạo sinh Việt Nam gồm 21 anh chị em huynh trưởng Hướng đạo cũ đã đứng ra tổ chức (trưởng ban là trưởng Nguyễn Dưc, thư ký là trưởng Lê Duy Thước).

Nhưng tiếc thay, năm 1994, Tr. Hoàng Đạo Thúy đã buông tay, lìa Rừng, để lại những luyến tiếc trong công cuộc vận động tái lập Hướng đạo Việt Nam còn đang dang dỡ!

Kế đến, các Trưởng tiếp nối trong công cuộc này cũng đã lần lượt ra đi như Lê Duy Thước[4], Nguyễn Dực[5] và Nguyễn Khắc Kỳ… đã ôm theo những mộng ước như cố Tr. Hoàng Đạo Thúy đã từng ấp ủ. Phong trào Hướng đạo Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được thừa nhận, và việc tái lập Hướng đạo tại Việt Nam vẫn còn là một việc xa vời!

Ngày họp mặt truyền thống vẫn được duy trì và được tổ chức những năm sau đó như để nhắc nhở các thế hệ hướng đạo sinh Việt Nam, nhớ về ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng Danh dự Hội Hướng Đạo Việt Nam, và mong muốn nguyện vọng được phục hoạt phong trào Hướng đạo Việt Nam trên toàn quốc.

Nhiều trưởng lão, sau đó cũng đã vận động, gửi thư đến Chính quyền như các trưởng Trần Hữu Khuê, Đặng Văn Việt, Nguyễn Phước Hoàng, Bùi Tiến An, Phan Đức Đô, Bạch Văn Quế, Nguyễn Phúc Quỳnh, Đinh Hữu Quyến….để xin được cứu xét nhưng bị thờ ơ!

……………………………………..

Nguồn tham khảo:

[1] Nhà sử học Dương Trung Quốc năm nay 69 tuổi, là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí “Xưa & Nay”, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa thứ 4.

Trong một bài phỏng vấn của Khải Nguyên đăng trên Báo Dất Việt ngày 3 tháng 2 năm 1993, ông Dương Trung Quốc đã có đề cập đến gương tốt của Hướng đạo sinh trong bài “Chính quyền làm oai…” như sau:

“Tôi nhớ ngày xưa ở nước ta, tại Hà Nội có tổ chức “Hướng đạo sinh” (Scout) chuyên tập hợp thiếu niên do những huynh trưởng (là thanh niên trưởng thành trong phong trào này) phụ trách chỉ chuyên rèn luyện kỹ năng sống và ý thức công dân.

Tổ chức này đưa ra những mục tiêu tưởng như không to tát như mỗi ngày làm một điều thiện, hướng đạo sinh không biết ăn cắp vv... Do vậy khi lớp trẻ này trưởng thành họ trở thành những con người góp ích cho xã hội rất tốt. Cứ điểm lại những người như Hà Nội như Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng... Rất tiếc là bây giờ ta mải giáo dục việc lớn, những lý tưởng chính trị cao xa mà ít quan tâm đến cái tưởng như nhỏ những rất thiết thực...”


[2] Theo bài viết của Tr. Tôn Thất Đông, trang 49 cuốn “Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam” do Ban Tu thư Huấn luyện Miền II tái bản lần thứ 3 năm 2006. Lưu hành trong nội bộ.

Trong chương trình VKT (Văn hóa-Khoa học-Thể thao) của Đài Truyền hình Việt Nam đêm 30 tháng 12 năm 1991 về buổi họp mặt truyền thống của cựu HĐS đã phát sóng với bình luận:”Mỗi một HĐS , kể cả các em Sói có tập tục thắt một cái nút ở chót khăn quàng, để nhắc nhở làm việc thiện, nếu trong một ngày chưa làm một việc thiện thì chưa được mở ra… Nếu mỗi một đồng bào chúng ta cũng làm như vậy thì đất nước ta sẽ đẹp biết bao…”

[3] Sách đã dẫn như trên, trang 77. Bài viết của Tr. Tôn Thất Đông có ghi Tr. Trần Hữu Khuê cầm đầu phái đoàn miền Nam, và phái đoàn được trú ngụ tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội).

Phái đoàn gồm có các Trưởng từ Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết…

[4] Trưởng Lê Duy Thước (1918-1997), giáo sư, tiến sĩ ngành Nông nghiệp. Năm 1945 ông làm Chánh văn phòng Bộ Thanh niên. Ngày 25 tháng 11 năm 1945, ông cùng với các trưởng Trần Duy Hưng, Vương Trọng Thành, Nguyễn Văn Lượng… đại diện cho Hội Hướng Đạo Việt Nam đến gặp Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh để trình bày nguyện vọng của Hội.

Nhân ngày họp mặt truyền thống HĐVN 31 tháng 5 năm 1996 tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, trưởng Lê Duy Thước đã trình bày bài nghiên cứu dài 20 trang nhan đề “Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam” ghi nhận quá trình họp mặt của các cựu HĐS hai miền Nam-Bắc, trong đó có thư ủy nhiệm của cố trưởng Hoàng Đạo Thúy về việc thành lập Ban liên lạc lâm thời HĐVN/TPHCM.

Xem chi tiết về Tr. Lê Duy Thước có thể đọc thêm nơi trang:

Trưởng Lê Duy Thước có tên Rừng là Gà Mờ.

[5] Kỹ sư Nguyễn Dực (1921-2000) là người con thứ 8 của nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ngoài ra, ông còn là anh ruột của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả bài thơ “Đi Chùa Hương” tuyệt tác.

Vào thập niên 30, kỹ sư Nguyễn Dực từng là chủ nhân hãng kinh doanh radio và thiết bị âm thanh nổi tiếng ở nhà số 43 trên đường Lý Thường Kiệt (trước là Carreau) cạnh rạp chiếu bóng Majestic (nay là rạp Tháng Tám trên phố Hàng Bài).

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Nguyễn Dực là người đã phụ trách toàn bộ âm thanh ở Quảng trường Ba Đình nhân ngày Việt Nam tuyên bố độc lập. Tìm đọc thêm bài của nhà Sử học Dương Trung Quốc với tựa đề:”Ký ức về người lo âm thanh cho ngày Độc lập” (http://baodatviet.vn/…/ky-uc-ve-nguoi-lo-am-thanh-cho-ngay…/).

Trưởng Nguyễn Dực có tên Rừng là Ong Thợ.


Ngày họp mặt truyền thống năm 1991 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.


Tấm ảnh lịch sử, Hoàng Đạo Thúy chụp chung với các Trưởng ở miền Nam đến tham dự Ngày họp mặt truyền thống HĐVN năm 1993 tại Hà Nội.
1.Trần Trọng Thảo
2.Phạm Thanh Hiệp
3.Bạch Văn Nghĩa (Liên đoàn Tây Sơn, Tráng đoàn Minh Trí)
4.Đặng Thanh Long (Đạo trưởng Vũng Tàu)
5.Hoàng Đạo Thúy (Tráng đoàn Lam Sơn, một trong những người sáng lập HĐVN, mất năm 1994)
6.Hoàng Đạo Hùng (Trưởng nam của Hoàng Đạo Thúy, mất năm 2015)
7.Trương Quang Thìn
8.Nguyễn Dực (Châu Thăng Long, Hà Nội. Mất năm 2000)
9.Tôn Thất Sam (Châu trưởng Châu Trường Sơn Hạ)
10.Trần Hữu Khuê (Đạo trưởng Cửu Long, mất năm 2008)
11.Phan Kim Phụng (Châu trưởng Châu Gia Định, mất năm 1998)
12.Nguyễn Thị Nga
13.Cung Giũ Hốt (Châu Hải Nam, Nha Trang)
14.Vũ Phạm Thuyên (Châu Thăng Long, Hà Nội)


Đình làng Đại Yên nằm ở giữa làng, trong khu vực Thập tam trại, tiếp giáp với đường Hoàng Hoa Thám về phía Bắc, trực thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đình làng là một trong những làng cổ của Thăng Long (Hà Nội xưa), dân làng ngày xưa ở đây nổi tiếng với nghề trồng lúa, khai cây thuốc Nam và chế biến các bài thuốc Nam.
Ban Liên lạc Lâm thời cựu Hướng đạo sinh Việt Nam đã chọn Đình làng Đại Yên làm nơi họp mặt truyền thống với khoảng 300 cựu Hướng đạo sinh đến tham dự. 
(Ảnh Bazan)

Ảnh này chụp tại làng Đại Yên năm 1993. Ảnh gốc đã bị thất lạc, cố trưởng Trần Văn Hợp sưu tầm, nay không biết ở đâu?
Nhìn kỹ ở giữa, chúng ta còn thấy trưởng Hoàng Đạo Thúy.


Phái đoàn Hướng đạo ở miền Nam đến thăm trưởng Hoàng Đạo Thúy nhân ngày họp mặt truyền thống 1993.
(Ảnh: Tôn Thất Sam/GVMD)


Ngày họp mặt truyền thống năm 1996 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.


Cuối tháng 5 năm 1996, Tr. Lê Duy Thước đã đứng ra tổ chức ngày họp mặt cựu HĐS toàn quốc. 
Một cuộc hội thảo được diễn ra tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Phái đoàn miền Nam đến tham dự có các trưởng Nguyễn Duy Thu Lương, Phan Kim Phụng, Trần Hữu Khuê, Nguyễn Thúc Toản, Tôn Thất Đông, Trần Văn Hồng, Lê Phỉ, Tôn Thất Sam, Tôn Thất Lôi… Trưởng ban Liên lạc toàn quốc được bầu lại là Vũ Phạm Thuyên.

Ông Dương Trung Quốc.
(Ảnh của Báo Đất Việt)





Tuy không rầm rộ như những năm trước, ngày họp mặt truyền thống năm 2014 đã được tổ chức tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hiện diện ngoài các trưởng và cựu hướng đạo sinh thập niên 40 còn có các trưởng Phạm Thanh Hiệp, Nguyễn Văn Hùng… cùng với khoảng 90 người tham dự.
Trong bài viết của Phạm Tuyên có ghi lại, trưởng lão Lưu Anh Tuấn kể lại những ngày tháng tham gia sinh hoạt Hướng đạo, và ông đã xúc động: “Được dự họp mặt hôm nay, có nhắm mắt tôi đây cũng mãn nguyện lắm rồi, cầu xin cho phong trào được chơi trở lại để cống hiến cho đất nước nhiều công dân tốt ".
Xem chi tiết tin và ảnh của Phạm Tuyên tại địa chỉ:
(Ảnh của Phạm Tuyên)
Ảnh của Phạm Tuyên.

Cụ Chương ở Hà Nội, hãnh diện khi mình là một hướng đạo sinh

Cụ Chương ôn lại những kỷ niệm tuyệt vời khi còn là một hướng đạo sinh trẻ trong thập niên 40.
(Ảnh của Phạm Tuyên)








Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét