SEARCH

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

56. Phong trào Hướng đạo Công giáo tại Việt Nam

Như chúng ta đã biết, phong trào Hướng đạo đến Việt Nam khoảng năm 1926 [1] theo chân một số trưởng và linh mục người Pháp. Hồi đó Les Scout de France (SdF) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào Hướng đạo tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

Việc phát triển không những ở trường học (như Thiên Hựu Học Đường ở Huế), mà ngay cả các giáo xứ họ đạo, các giáo sĩ thừa sai, các Cha Cố người Pháp cũng đã tổ chức nhiều đoàn Hướng đạo.

Bài kinh này có đăng trong Bản tin, thư liên lạc, Mối Dây của Vp Trung ương HĐCGVN trước năm 1975.


Ban đầu thì chỉ dành riêng cho các con em công chức, Quân đội thuộc địa [2] công tác và phục vụ tại các xứ bảo hộ.


Trường Lycée Albert Sarraut, Hà Nội.

Các linh mục, những người truyền giáo người Pháp đã hình thành nhiều đơn vị Hướng đạo Công giáo. Điển hình là ở Hà Nội có Cha Joseph Dépaulis, ở Hải Phòng có Linh mục Larmurier, ở Huế có Georges Lefas, Gagné, ở Nam Định có Vacquier… và ở Sài Gòn có Cha Louison, Parrel..v..v..


Linh mục Georges Lefas, tuyên úy Hướng đạo Đông Dương từ năm 1937.

Năm 1936, tại Trại Huấn luyện Trưởng đầu tiên tổ chức ở Đà Lạt đã có 4 Trưởng Hướng đạo Công giáo tham dự. Trưởng trại là Raoul Serène [3].


Linh mục G. Lefas (bìa bên phải) cùng với Bernard, Serène, Hoàng Đạo Thúy, E. Niédrist, Trần Văn Khắc tại Trại Huấn luyện Trưởng đầu tiên tổ chức tại Đà Lạt năm 1936.
(Ảnh: Bộ sưu tập của Thái Thuần)

Năm 1937, khi Liên hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutism) được thành lập, trưởng LM Georges Lefas đã được chọn làm tuyên úy cho Liên hội.


Các đoàn hướng đạo dành cho con em người Việt theo đạo Công giáo rất đông, đáng kể có Liên đoàn Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội), Đoàn Trần Lục (Hải Phòng), Liên đoàn Lê Bảo Tịnh (Bùi Chu, Nam Định), Liên đoàn Lý Mỹ (Phát Diệm, Ninh Bình), Liên đoàn Dòng Chúa Cứu Thế (Huế), Liên đoàn Bến Nghé (Sài Gòn)…


Trong quá trình phát triển và sinh hoạt, dần dần số hướng đạo sinh Công giáo đã chiếm một phần quan trọng trong lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam. Tuy không tổ chức như một hội Hướng đạo, tương tự như Les Scouts de France của Pháp trực thuộc Liên hội [4], nhưng tỷ lệ hướng đạo sinh Công giáo đã chiếm hơn 1/3, tính đến năm 1974 đã có trên 15 đơn vị hướng đạo Công giáo trong tổng số 60 đơn vị Đạo thuộc Hội Hướng đạo Việt Nam [5].


Đóng góp vào việc hướng dẫn và giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam, các Trưởng lãnh đạo phong trào đáng kể có:

.Trưởng Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (Tổng tuyên úy đầu tiên kể từ khi Hội HĐVN được thành lập vào năm 1957, Ngài đã từng sinh hoạt thời Hướng đạo Đông Dương và là tác giả của bài “Nguồn Thật”) [6].


Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích.

.Đức Hồng Y François-Xavier Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Nha Trang, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình (Pontifical Council for Justice and Peace) của Tòa Thánh Vatican do Đức Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm. Tác giả tập sách “Hướng đạo Đại cương” do Đại học Huế ấn hành năm 1960 [7].


Năm 1966, trong chuyến hành hương đi bộ từ Huế đến La Vang, các trưởng Đoàn Thanh Minh (bên trái) và Lê Ngọc Bưu (bên phải) đã dừng chân chụp ảnh lưu niệm với Linh mục Nguyễn Văn Thuận.

(Theo Nguyễn Đình Dinh - Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, là cháu kêu bằng cậu ruột của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

-Trưởng Đoàn Thanh Minh cựu Liên đoàn Trưởng LĐ La Vang đã lìa rừng năm 1968 tại Huế.
- Trưởng Lê Ngọc Bưu cựu Thiếu Trưởng Thiếu đoàn La Vang, hiện là Ban Tu Thư của HĐVN, đang sinh sống ở Sài Gòn.)
.Trưởng LM Phaxicô Trần Ngọc Phan (Tổng tuyên úy từ 1957 đến 1970)

.Trưởng LM Nicholas Đinh Quang Điện (Tổng tuyên úy từ 1970 cho đến 1975 khi Hội HĐVN bị tạm ngưng hoạt động).


Linh mục Nicola Maria Đinh Quang Điện.

.Đức Cha Stephano Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế (1998), Tuyên úy Liên đoàn Bàn Sơn, Phủ Cam (Huế).


Linh mục Stephanô Nguyễn Như Thể.

.Trưởng LM Nguyễn Thới Hòa, Phó Tổng Linh Hướng đặc trách Linh hướng Tổng Giáo phận Sài Gòn, trực tiếp điều hành Văn phòng Đại diện Hướng đạo sinh Công giáo / Giáo phận Sài Gòn (đặt tại GX Tân Định).


Trưởng LM Nguyễn Thới Hòa.

Bên cạnh còn một số trưởng Công giáo như: Trưởng Trần Văn Thao (người gây dựng phong trào Hướng đạo Công giáo ở Hải Phòng trong những năm đầu thập niên 30), Giáo sư Cung Giũ Nguyên (DCC of Gilwell, Trại trưởng Quốc gia HĐVN 1958-1963), Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ (Hội trưởng Hội HĐVN 1969-1975, nguyên Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục VNCH), Giáo sư Mai Ngọc Liệu (Trại trưởng Quốc gia 1968-1975), Trưởng Lê Văn Ngoạn (Trưởng lãnh đạo trong Ban Huấn luyện Ngành Ấu Hội HĐVN), Trưởng Trần Bạch Bích (Tổng Ủy Viên kiêm Ủy viên Huấn luyện Hội Nữ HĐVN, phu nhân của Tr. Mai Liệu), Trưởng Trần Văn Hợp (Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa)… và 5/8 Tổng ủy viên lãnh đạo phong trào là người Công giáo như Vũ Văn Hoan, Phan Như Ngân, Trần Điền, Trần Văn Lược...


Trưởng Trần Bạch Bích (Tổng Ủy viên Nữ HĐVN) và Tr. Mai Liệu (Trại trưởng Quốc gia HĐVN).
(Ảnh: GTT)


Trưởng Giáo sư Mai Ngọc Liệu.


Trưởng Giáo sư Cung Giũ Nguyên.


Trưởng Trần Văn Lược, Tổng Ủy Viên Hội Hướng Đạo Việt Nam.





Trưởng Linh mục Nguyễn Đức Bình.


Trưởng Trần Văn Hợp.


Trưởng Linh mục Tiến Lộc.



Thư bổ nhiệm Tổng tuyên úy Hướng đạo Công giáo Việt Nam của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

(Ảnh tư liệu của Giúp Ích)

Song song với công cuộc huấn luyện của các Trưởng, Văn phòng Liên lạc Hướng đạo Công giáo (Bureau de Liaison du Scoutisme Catholique) cũng đã được thành lập ở Hà Nội vào đầu năm 1941 do Linh mục Paul Seitz chủ trương với sự cộng tác của các trưởng Mai Liệu (Hà Nội), Trần Văn Thao (Hải Phòng), và Paul Fleutot (Hà Nội)… Một số sách giáo lý Hướng đạo song ngữ Pháp-Việt cũng đã được xuất bản như: Thủ bản HĐCG (Manuel Religeux), “Hướng đạo với Hội thánh Công giáo” và “Hướng đạo là gì?” của Trần Văn Thao, “Vui ca” của Mai Liệu, và đặc biệt là những tờ Nguyệt san Liên lạc HĐCG do các trưởng LM G. Lefas, P. Seitz và LM Nguyễn Văn Thích chủ trương [8].


Văn phòng Liên lạc Hướng đạo Công giáo còn thiết lập một trại trường huấn luyện trên núi Ba Vì (tức núi Tản Viên, tỉnh Sơn Tây) để mở các khóa huấn luyện Tuyên úy và các khóa Tĩnh tâm cho các Trưởng Công giáo.


Trước năm 1954, Hội Hướng Đạo Việt Nam đã công nhận 2 đơn vị Hướng đạo Công giáo trực thuộc Hội HĐVN là Đạo Bến Nghé (Sài Gòn) và Đạo Hoa Lư (Phát Diệm, Ninh Bình). Sau năm 1954, Hội có tất cả 18 đơn vị Đạo là những đơn vị Hướng đạo Công giáo trong tổng số 60 đơn vị Đạo:


1. Đạo Bến Nghé thành lập tại Giáo phận Sài Gòn từ thời Hướng đạo Đông Dương, đầu tiên do một trưởng Hướng đạo Công giáo người Pháp hướng dẫn, sau đến năm 1950, LM Hồ Văn Vui được cử làm tuyên úy. Đạo Bến Nghé đã từng có các Đạo trưởng người Công giáo như Nguyễn Hiếu Trung (từ năm 1954), Trần Thành Nhơn (từ năm 1957), Nguyễn Xuân Long (từ năm 1965), LM Nguyễn Thới Hòa (từ năm 1967)…


2. Đạo Hoa Lư thành lập tại Giáo phận Phát Diệm (Ninh Bình) từ năm 1940. Các trưởng linh mục Lê Nguyên Kỷ, Trần Ngọc Phan, Đinh Quang Điện, Nguyễn Quang Nhung, Trần Minh Chiêu, Nguyễn Hữu Văn, Trần Hữu Linh, Nguyễn Trí Mạnh.. và Tu sĩ Ngô Đình Bảo là những người đã có công gây dựng phong trào Hướng đạo Việt Nam tại Phát Diệm. Về sau này Hội HĐVN bổ nhiệm trưởng Nghiêm Văn Thạch làm Đạo trưởng (sau khi Tr. LM Đinh Quang Điện từ chức vào năm 1956), Liên đoàn Nguyễn Bá Tòng (sau là Lđ Đinh Tiên Hoàng do Tr. Trần Văn Hợp làm Liên đoàn trưởng) và Liên đoàn Vạn Kiếp (do Tr. Nghiêm Văn Thạch làm Liên đoàn trưởng) đã làm thành Đạo Hoa Lư, không còn được kể là một đơn vị Hướng đạo Công giáo nữa!


Các hướng đạo sinh Công giáo thuộc 3 liên đoàn Nguyễn Bá Tòng, Trương Vĩnh Ký và Phan Đình Phùng đã tổ chức trại họp bạn tại giáo xứ Kim Sơn, Phát Diệm năm 1954.

3. Đạo Xuân Hòa thành lập năm 1957 để qui tụ các liên đoàn Hướng đạo Công giáo, chuyển từ 2 đơn vị gốc Hoa Lư ở Phát Diệm là Liên đoàn Lý Mỹ (Lđt Nguyễn Kim Phát) và Liên đoàn Phan Đình Phùng (Lđt Chu Bá Cao), cùng với Lê Bảo Tịnh (gốc Bùi Chu, Lđt Đinh Xuân Phức). Ba đạo trưởng Xuân Hòa đều là người Công giáo: Đoàn Văn Lụy (1957-01958), Đinh Xuân Phức (1958-1965), và Trần Văn Hợp (1965-1975). Đạo Xuân Hòa ngưng sinh hoạt từ năm 1975 cũng như các đơn vị Hướng đạo khác, nhưng đã phục hoạt vào cuối năm 1980 và trở thành Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa (GXH).


Hội Bầy Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa, 2016.
(Ảnh: Nguyễn Tuấn)


Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, 2012.

(Ảnh Kỷ yếu 55 GXH)


Họp mặt kỷ niệm lần thứ 160 Sinh nhật Huân tước Baden Powell, 2017.
(Ảnh: GXH)


Họp mặt kỷ niệm lần thứ 160 Sinh nhật Huân tước Baden Powell, 2017.

(Ảnh: GXH)

4. Đạo Hồi Nguyên thuộc Giáo phận Đà Lạt, thành lập từ năm 1957 do Tu sĩ Ngô Đình Bảo làm Đạo trưởng.


6. Đạo Trùng Dương. Khi trưởng Nguyễn Xuân Long bàn giao trách vụ Đạo trưởng Đạo Bến Nghé cho trưởng LM Nguyễn Thới Hòa để thành lập Đạo Trùng Dương vào năm 1967, trưởng Nguyễn Xuân Long cũng đã giúp thành lập đơn vị Hướng đạo Công giáo tại Giáo phận Cần Thơ như: Liên đoàn biệt lập Long Kiên (1970, Lđt LM Nguyễn Ngọc Sinh), Liên đoàn biệt lập Cà Mau (1971, Lđt LM Vũ Văn Quỳ), và Đạo An Giang (1971, Lđt LM Cao Tấn Đậu).


7. Đạo Hải Long thành lập tại Giáo phận Sài Gòn vào năm 1967,Đạo trưởng là trưởng Võ Văn Thơm , cũng là người Công giáo. Đạo Hải Long có nhiều đơn vị do trưởng Hướng đạo Công giáo làm đoàn trưởng.


8. Đạo Thủ Đô tách ra từ Đạo Xuân Hòa từ năm 1967, Đạo trưởng đầu tiên được bổ nhiệm là trưởng Đinh Xuân Phức, sau đó là trưởng Đỗ Văn Ninh (1968) và Nguyễn Văn Hiệp (1974). Liên đoàn La San Taberd (thuộc Đạo Thủ Đô) là một đơn vị thành lập khoàng năm 1968 tại trường La San Taberd, một trường Trung học Tư thục Công giáo nổi tiếng ở Sải Gòn từ năm 1873 (Trường Taberd đã giải tán từ năm 1976 và trường hiện nay mang tên là trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa).



Bầy Sói con sinh hoạt tại khuôn viên trường Trung học Tư thục Công giáo La San Taberd (Sài Gòn).
(Ảnh: Kỷ yếu La San Taberd 1969).



Trưởng Đinh Xuân Phức, Đạo trưởng Đạo Thủ Đô (ngoài cùng, bìa trái) chụp ảnh lưu niệm với quý linh mục, các trưởng cùng một số hướng đạo sinh Công giáo tại Sài Gòn năm 1968.

9. Đạo Tây Hồ cũng tương tự như Đạo Thủ Đô, được tách rời từ Đạo Xuân Hòa, thành lập vào năm 1967, Đạo trưởng đầu tiên là trưởng Trần Văn Lược, hai năm sau khi trưởng Trần Văn Lược được bầu làm Tổng Ủy Viên Hội Hướng Đạo Việt Nam thì trưởng Trần Văn Hiến lên thay. Các đơn vị Đạo Tây Hồ sinh hoạt trong Giáo xứ Đồng Tiến, Phú Thọ.


10. Đạo Bắc Đẩu thành lập vào năm 1958 tại Giáo phận Đà Nẵng, Đầu tiên là Liên đoàn Trà Kiệu thuộc Đạo An Hải do trưởng Bùi Văn Giải (người Công giáo) hướng dẫn. Sau số lượng đoàn sinh tăng, Liên đoàn Kim Sơn hình thành và cả 2 liên đoàn Hướng đạo Công giáo này được Hội cho phép thành lập Đạo Bắc Đẩu, trưởng Bùi Văn Giải trở thành Đạo trưởng đầu tiên. Trưởng LM Đinh Duy Trinh làm linh mục tuyên úy.


11. Đạo Bình Thuận thành lập tại Giáo phận Phan Thiết khoảng năm 1968 do Trưởng LM Nguyễn Cao Cầu làm Đạo trưởng.


12. Đạo Đồng Nai thành lập tại Giáo xứ Xuân Lộc vào năm 1970 gồm các đơn vị Hướng đạo Công giáo vùng Hố Nai với Tr. LM Trần Minh Phú làm Đạo trưởng.


13. Đạo Vạn Thắng thành lập tại Giáo phận Phú Cường (Bình Dương) từ năm 1970 do Tr. Đinh Khang Tỵ làm Đạo trưởng.


14. Đạo Long Khánh do Tr. LM Nguyễn Chu Trinh làm Đạo trưởng, thành lập năm 1974 tại Giáo phận Xuân Lộc nhưng tập trung sinh hoạt tại 3 khu vực có nhiều giáo dân như Phương Lâm, Gia Kiệm và Xuân Lộc.


15. Đạo Tam Bình ra mắt lần đầu tiên tại Trại Họp bạn Toàn quốc HĐVN mang tên “Tự Lực” và Đạo trưởng đầu tiên là Tr. Phạm Viết Nghiệp, một Tu sĩ của Dòng Đồng Công, Thủ Đức. Năm 1971, Đạo Thủ Đức được thành lập đã có một phần hướng đạo sinh Công giáo và Tr. LM Nguyễn Thọ đã từng làm Đạo trưởng, Mãi đến năm 1974, các đơn vị Hướng đạo Công giáo của Đạo Thủ Đức mới có điều kiện thành lập Đạo Tam Bình. Tưởng cũng nên biết, Tam Bình ngày xưa có Tu sĩ Đinh Chí Cương từng sinh hoạt Hướng đạo tại đây vào thập niên 50 và đã có một đoàn Hướng đạo được thành lập.


Tu sĩ Đinh Chí Cương.

16. Riêng các Liên đoàn Hướng đạo Công giáo Huế (Tr. LM Trần Văn Dụ làm tuyên úy), ngoài liên đoàn nòng cốt là Liên đoàn La Vang và Bàn Sơn thuộc Đạo Phú Xuân (do Tr. Phan Gia Anh làm Đạo trưởng), còn có Liên đoàn Tràng An và Liên đoàn La San thuộc Đạo Trấn Hải, Liên đoàn Nguyễn Trường Tộ thuộc Đạo Huế (do Tr. Tôn Thất Lôi làm Đạo trưởng). Liên đoàn HĐCG thường xuyên sinh hoạt tại Lăng cụ Ngô Đình Khả (Thân sinh của cố TT Ngô Đình Diệm) và nhà thờ Phủ Cam.


Kha đoàn La Vang tại núi Ngọc Hồ năm 1970.

(Ảnh: LĐ HĐCG Huế)


Tráng đoàn Bàn Sơn, toán Đống Đa.
Người mang cờ là Toán trưởng Nguyễn Đình Dinh.
(Ảnh: LĐ HĐCG Huế)


Tráng đoàn Bàn Sơn tại bãi biển Lăng Cô năm 1973. Tráng trưởng là Tr. Nguyễn Văn Mỹ (người chống nạnh trong hình) lúc đó là giảng viên môn Hướng Dẫn Khải Đạo ĐHSP Huế, Phó Viện trưởng Viện Đại học Quảng Đà. Hầu hết các tráng sinh Tráng đoàn Bàn Sơn là sinh viên Đại học Huế.
(Ảnh: LĐ HĐCG Huế)


Kha đoàn La Vang đang công tác xã hội tại bến đò Tiên Nộn (Huế, 1971).
(Ảnh: LĐ HĐCG Huế)

Thêm vào đó, ở Nha Trang (Khánh Hòa) có Liên đoàn La San Trai Việt thành lập khoảng năm 1969 với 2 Ấu đoàn, 4 Thiếu đoàn, 4 Kha đoàn và 3 Tráng đoàn do Frère Trần Trọng An Phong thành lập.


Huy hiệu La San Trai Việt.
(Ảnh: FB Long Tran)


Liên đoàn Trai Việt Nha Trang.
(Ảnh của đơn vị)


Liên đoàn Trai Việt Nha Trang.
(Ảnh của đơn vị)


Liên đoàn Trai Việt Nha Trang.
(Ảnh của đơn vị)

Đầu thập niên 60, để giữ chặt mối dây liên lạc, với sự cố vấn của Tr. Trần Văn Thao, Văn phòng Trung ương Hướng đạo Công giáo Việt Nam đã đặt tại 72/7 Nguyễn Đình Chiểu và Văn phòng thường trực đặt tại 63 Bùi Thị Xuân, Sài Gòn. Ủy viên Trưởng là Tr. Vũ Thanh Thông, Thư ký văn phòng là Tr. Đinh Xuân Phức. Tờ “Mối Dây” và “Thư Liên Lạc” gửi các Cha Tuyên úy và các Trưởng Hướng đạo Công giáo Việt Nam cũng đã được phát hành [9]


Ngày 8 tháng 1 năm 1965, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã phê chuẩn Qui chế Hướng đạo Công giáo Việt Nam đã được thông qua tại Đại Hội đồng Hướng đạo Việt Nam.


Năm 1972, Trưởng LM Tiến Lộc được bầu làm Ủy viên Ngành Tráng thuộc Bộ Tổng Ủy Viên Hội Hướng Đạo Việt Nam [10]


Kể từ năm 2014, theo Giấy bổ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam ký ngày 30 tháng 3, và theo thư đề nghị của Cha Nicola Maria Đinh Quang Điện, linh mục Nguyễn Đức Bình, dòng Đa Minh được bổ nhiệm làm Tổng tuyên úy Hướng đạo Công giáo Việt Nam.

………………….

[1] Trong quyển “Catholic Vietnam: A Church from Empire to Nation” của Charles Keith, trang 158, Chapter 5 đã ghi nhầm là Trường Lycée Albert Sarraut ở Sài Gòn? (đúng ra là ở Hà Nội). Theo tác giả thì phong trào Hướng Đạo Công giáo (Catholic Boy Scouts) đầu tiên có ở trường Lycée Albert Sarraut. Ông cũng có đề cập đến Tr. Trần Văn Thao (người đã vận động tổ chức các đơn vị Hướng đạo Công giáo ở Hải Phòng) về những giá trị của phong trào Hướng đạo trong gia đình, học đường và giáo hội.


Một đoàn Hướng đạo Việt Nam được thành lập ở các xứ đạo Kon Tum do các các giáo sĩ và các Trưởng người Pháp điều hành (1935)
(Ảnh sưu tập của GTT)

[2] Theo Tr. Mai Liệu đã góp ý về “Lịch sử HĐVN” đăng trong báo Liên Lạc (Bộ mới số 22, phát hành tháng 3 năm 1997, trang 22) thì Quân đội thuộc địa (Troupes Coloniales) của Pháp khác với Quân đội viễn chinh (Corps Expéditionnaire) là quân đội của Tướng Philippe Leclerc được phái sang Đông Dương sau năm 1945.

[3] Báo “Hướng Đạo” số 19, năm thứ Hai, tháng 7 năm 1936, trang 15. Nguyệt báo, cơ quan chính thức của Tổng Cục Hướng đạo Nam Kỳ.

[4] Thời bấy giờ Liên hội Hướng đạo Pháp (La Fédération des Scouts de France) có tất cả 6 hội. Les Scouts de France (SdF) là một trong 6 hội riêng biệt, thành lập ngày 25 tháng 7 năm 1920. Đến tháng 9 năm 2004, Scouts de France và Guides de France đã hợp nhất lại thành một hội lấy tên là Scouts et Guides de France (SGdF), là hội viên chính thức của cả hai tổ chức WOSM (World Organization of the Scout Movement) và WAGGGS (World Association of Girl Guides and Girl Scouts). Nền tảng vẫn là giáo lý để giáo dục thanh thiếu niên.

[5] Theo Tài liệu nghiên cứu GXH-MM3 Hướng Đạo Công Giáo, trang 2 và 3.

[6] Tìm đọc trên Trang Nhà của Hội đồng Giám mục Việt Nam; http://hdgmvietnam.org/chan-dung-linh-muc-v…/1857.43.13.aspx hoặc Công Giáo Việt Nam: http://www.conggiaovietnam.net/index.php…

[7] Tìm đọc trên Trang Nhà của Giúp Ích: http://giupich.org/content/huong-dao-dai-cuong hoặc trên trang Mạng: http://huongdaodaicuong.blogspot.com/

[8] Xem bài “Nửa Thế kỷ Hướng đạo Việt Nam” của Tr. Mai Liệu, trang 10 và 11 trong ấn bản lưu niệm 70 năm thành lập HĐVN (1930-2000) của Mai Liệu, Nguyễn Trung Thoại và Trần Anh Tuấn biên soạn, phát hành tại Trại Họp bạn San José, California.

[9] Trước có tên là Phòng Liên lạc Trung ương HĐCGVN, sau Hội đồng thường niên HĐCGVN họp tại Sài Gòn ngày 3 tháng 2 năm 1963 tại Trung tâm Công giáo Tiến Hành Việt Nam, đã quyết định bỏ hai chữ “Liên lạc” và mời Tr. Vũ Ngọc Tân (Giám đốc Thảo Cầm VIên Sài Gòn lúc bấy giờ) làm Ủy viên trưởng Vp TUHĐCGVN thay cho Tr. Vũ Thanh Thông.

[10] Từ thập niên 90, trưởng LM Nguyễn Văn Lộc (Tiến Lộc) đã lưu tâm đến việc đào tạo Trưởng ngành Tráng, chuyên lo phục vụ các công tác xã hội, quản trò cho các sinh hoạt giới trẻ trong các giáo xứ tại Sài Gòn và khóa huấn luyện đặc biệt trong và ngoài nước.


Cập nhật ngày 9 tháng 3 năm 2017.


Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét