SEARCH

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

58. Hướng đạo quân đội

Ngược dòng lịch sử, kể từ tháng 5 năm 1969 Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy[1] thuộc Cục Xã hội (Tổng cục CTCT) và Trung tá Nguyễn Văn Liễu[2] là những huynh trưởng đang sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam chính là những người đứng ra phụ trách kế hoạch, chương trình tổ chức và điều hành các đoàn Thiếu nhi Quân đội trong giai đoạn đầu.

Ngoài hai trưởng Tuyên Thùy và Nguyễn Văn Liễu còn có Trung úy Lâm Văn Khanh[3], Nguyễn Minh Triết (SVSQ, cựu Đạo trưởng Đạo Phiên An, Châu Gia Định)… cũng là những người cộng sự đắc lực trong việc thực hiện kế hoạch đoàn ngũ hóa Thiếu nhi Quân đội tại Trường Bộ Binh (Thủ Đức) do sáng kiến của Trung tướng Trần Văn Trung[4] đề ra. Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức (nằm trong khuôn viên Trường Bộ Binh, KBC 4100) là địa điểm thí nghiệm và sau đó trở thành một đơn vị Hướng đạo xuất sắc nhất!


Có tất cả 8 trại gia binh trên toàn lãnh thổ VNCH với hơn 300 em thiếu nhi trong khoảng 100 gia đình trở lên đều được chọn trong kế hoạch nhằm đưa các em vào trong các tổ chức Hướng đạo như Ấu đoàn và Thiếu đoàn. Tính đến tháng 12 năm 1969, tổng số đoàn ngũ hóa lên tới 14.763 em.

Ngày 6 tháng 12 năm 1969, tại khu vực huấn luyện của Trường Bộ Binh, một cuộc cắm trại thật qui mô để trình diện lên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, đó là 3 đơn vị chính tham gia đông đảo nhất là: Trường Bộ Binh, Cục Quân Cụ và Hải Quân. Thiếu tướng Lâm Quang Thơ đã đến khai mạc trại.

Sau khi nghe báo cáo tổng kết về chương trình đoàn ngũ hóa Thiếu nhi Quân đội, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chính thức tuyên bố danh xưng “Hướng Đạo Quân Đội” được công nhận và ủng hộ xứng đáng của Chính phủ. Tổng thống đã trao cờ với huy hiệu Hướng đạo Quân đội cho Trung úy Lâm Văn Khanh phụ trách. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Thanh niên cũng đã cấp giấy phép chính thức, hợp pháp cho tổ chức Hướng đạo Quân đội tương tự như bao đoàn thể khác đang hoạt động.

Hội Hướng đạo Quân đội ra đời, cũng như Hướng đạo Cảnh sát, Hướng đạo Phật tử… tuy không phải là một hội đoàn trực thuộc Hội Hướng đạo Việt Nam hay Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM), nhưng là một đoàn thể biệt lập, áp dụng phương pháp và nguyên lý của phong trào Hướng đạo để hướng dẫn và giáo dục thanh thiếu niên trở thành những con người có ích, hữu dụng cho xã hội, gia đình và tổ quốc.

Mục đích của Hướng đạo Quân đội nhằm đào tạo các con em quân nhân QLVNCH dựa trên ba lãnh vực chính là Đức, Trí và Thể dục qua việc phát triển tinh thần công dân tốt, phát triển tối đa những năng khiếu và sở thích các em, phát triển khả năng lãnh đạo.

Hội Hướng đạo Quân đội được thành lập với Trung tướng Trần Văn Trung làm Hội trưởng, Đại tá Nguyễn Huy Hùng[5] làm Phó Hội trưởng và Tổng Ủy viên là Đại tá Nguyễn Văn Liễu. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được mời làm Hội trưởng Danh dự.

Tưởng cũng nên biết là trước khi tổ chức buổi cắm trại hồi đầu tháng 12 năm 1969, Cục Xã hội (Tổng cục CTCT) đã được cấp ngân khoản tổ chức một trại huấn luyện cơ bản một tuần cho hơn 400 người (đang phục vụ trong Quân đội) tại sân vận động Trần Hưng Đạo (cạnh Bộ TTM và phi trường Tân Sơn Nhất). Hội Hướng đạo Việt Nam cũng đã cử một số trưởng kỳ cựu đến huấn luyện. Tướng Trần Văn Trung cũng đã đến trong bộ đồng phục Hướng đạo để tận tay trao khăn quàng cho các trưởng tốt nghiệp trong ngày bế mạc trại huấn luyện cơ bản này.

Vào dịp lễ Giáng Sinh 1970, trại Họp bạn Hướng đạo Quân đội lần đầu tiên được tổ chức trong khu rừng Chí Linh thuộc Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn tại thị xã Vũng Tàu trong khoảng thời gian một tuần lễ. Khoảng 2.000 em cùng với nhiều Huynh trưởng tại các địa phương rãi rác khắp nơi trên lãnh thổ VNCH về tham dự. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đương thời đã đến chung vui và chúc mừng trại. Ngoài ra, trong số khách mời viếng thăm trại, khách quí đặc biệt có Tr. Nguyễn Văn Thơ[6], nguyên Hội trưởng Hội Hướng Đạo Việt Nam cũng đã có mặt.

Trại trưởng là Đại tá Nguyễn Huy Hùng (lẽ ra là Tr. Nguyễn Tuyên Thùy, nhưng Tr. Nguyễn Huy Hùng vừa tốt nghiệp Khóa 3 Trường Cao đẳng Quốc phòng và sau đó được bổ nhiệm làm Phụ tá Tổng Cục trưởng CTCT đặc trách Thiếu nhi Quân đội), trại phó Tiếp vận là Tr. Nguyễn Tuyên Thùy và trại phó Sinh hoạt là Tr. Nguyễn Văn Liễu.

Cuốn “Cẩm nang Đội trưởng” đã được anh Nguyễn Huy Hùng biên soạn và chính thức phát hành trong toàn trại, dành cho các Huynh trưởng và Đội trưởng sử dụng. Có tất cả 5.000 bản in do Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục CTCT ấn hành.

Tính đến cuối năm 1970, Hướng đạo Quân đội đã có tất cả 54.681 đoàn sinh trong 43 Liên đoàn nằm trong hệ thống của 16 Đạo ở Trung ương và 15 Đạo ở các Quân khu.

Năm 1971, Hướng đạo Quân đội cũng đã tổ chức thành công trại Họp bạn Đội trưởng mang tên Tự Tin ở Vũng Tàu, khóa Huấn luyện Trưởng tại Vườn Tao Đàn[7] với sự hỗ trợ của Hội HĐVN, và năm 1973 một trại Họp bạn Huấn luyện Huynh trưởng HĐQĐ cũng đã được tổ chức tại Chí Linh, Vũng Tàu nhằm kết hợp sức mạnh của đội ngũ huynh trưởng toàn quốc trong công cuộc phát triển, giáo dục thiếu nhi quân đội.

Tại trại Họp bạn Toàn quốc Hướng đạo Việt Nam mang tên “Tự Lực” (1974) ở Tam Bình, Thủ Đức, hướng đạo sinh Quân đội cũng đã góp mặt cùng với tất cả hướng đạo sinh Việt Nam từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau, chung vui trong những ngày trại thật kỳ thú và đầy kỷ niệm. Một kỳ đài cao vút đã được dựng lên trong trại, niềm hãnh diện của HĐS Quân đội VNCH cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều người!

Năm 1974, cuốn Đặc san Hướng đạo Quân đội do anh Nguyễn Huy Hùng biên soạn được phát hành 10.000 bản trong nội bộ. Đó là nguồn tự hào, một thành tựu đáng kể của phong trào Hướng đạo Quân đội.

Cũng như bao đoàn thể khác, theo vận mệnh của đất nước, sau năm 1975 đã không còn nữa những hình ảnh các hướng đạo sinh Quân đội tung tăng ca hát, vui đùa trên khắp các nẻo đường quê hương!

Ghi chú của GTT: 
Bài này được sửa chữa và bổ sung, tháng 7 năm 2017


Huy hiệu chính thức của Hội Hướng đạo Quân đội.
Nền màu Xanh Lơ sậm, hoa Bách Hợp màu trắng, giữa hoa Bách Hợp có hình Phượng Hoàng vàng mang khiên Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa (lấy từ huy hiệu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra). Huy hiệu đeo ở nơi túi áo trái của bộ đồng phục. Các điều khác biệt với Hướng Đạo Việt Nam là ngay khi nhập Đoàn, Đoàn sinh được mang khăn quàng của đơn vị ngay chớ không phải chờ học đủ chương trình rồi mới làm Lễ Tuyên Hứa để được mang. Các biểu hiệu đội trưởng nhất (3 vạch), đội trưởng (2 vạch) và đội phó (1 vạch) được gắn trên 2 cầu vai áo chớ không gắn trên túi áo bên ngực trái của bộ đồng phục như Hướng Đạo Việt Nam.
(Hình đăng trên Đặc san nội bộ)


Huy hiệu này trong bộ sưu tập của trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原) mua lại trên eBay và hiện nay Gấu Tận Tụy đang lưu giữ.

Huy hiệu này trong bộ sưu tập của trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原) mua lại trên eBay và hiện nay Gấu Tận Tụy đang lưu giữ.


Cả hai huy hiệu này đều trong bộ sưu tập của trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原) mua lại trên eBay và hiện nay Gấu Tận Tụy đang lưu giữ.

Huy hiệu HĐQĐ trên đồng phục hướng đạo.
Ảnh: Hieu Nguyen.

Huy hiệu HĐQĐ trên đồng phục hướng đạo.
Ảnh: Hieu Nguyen.


Băng HƯỚNG ĐẠO QUÂN ĐỘI trên đồng phục.
Ảnh: Hieu Nguyen.


Ảnh Hieu Nguyen.


Huy hiệu kim khí Họp bạn Đội trưởng mang tên TỰ TIN của HĐQĐ, 1971.
Ảnh: Hieu Nguyen.





Huy hiệu kim khí HĐQĐ.
(Ảnh lấy từ Facebook, góc hướng đạo của trưởngMai Ngoc Cuong).



Huy hiệu kim khí HĐQĐ trên nón béret.
Ảnh: Binh Phamvan.


Các kỷ vật Hướng đạo Việt Nam, trong đó có các phù hiệu của Hướng đạo Quân đội trong bộ sưu tập của trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原)


Bộ sưu tập của trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原).



Phù hiệu của Đạo Quyết Thắng.
Ảnh: Hieu Nguyen



Phù hiệu Hướng đạo sinh Hải quân.
Ảnh: Hieu Nguyen.


Phù hiệu trại Họp bạn Huấn luyện Huynh trưởng HĐQĐ, Chí Linh Vũng Tàu 1973.


Trung Tướng Trần Văn Trung (phải) và Đại Tá Nguyễn Huy Hùng.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Việc đào tạo Huynh trưởng để hướng dẫn đoàn sinh là một việc ưu tư trọng yếu của Hội HĐQĐ. Trung tướng Trần Văn Trung đã đích thân đến trao khăn quàng và chứng chỉ tốt nghiệp cho một số Huynh trưởng đã qua khóa huấn luyện cơ bản tháng 12 năm 1969 tại sân vận động Trần Hưng Đạo (cạnh Bộ TTM).
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành.


Tổng thống VNCH NGuyễn Văn Thiệu đến thăm trại Họp bạn HĐQĐ đầu tiên được tổ chức tại rừng Chí Linh, Vũng Tàu 1970. Đứng bên cạnh là Đại tá Nguyễn Huy Hùng.
(Ảnh: colhungnguyen)



Trung úy Lâm Văn Khanh nhận cờ danh dự từ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trong buổi lễ trình diện Hướng đạo Quân đội.
Ảnh: Trúc Giang MN



Trong kỳ trại tại đồi Tự Tin (Thủ Đức, Gia Định), Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã nhận khăn quàng trong buổi lễ ra mắt ngày 6 tháng 12 năm 1969. Nhân dịp này Tổng thống đã đặt tên cho phong trào thiếu nhi Quân đội là “Hướng Đạo Quân Đội” và trở thành Hội trưởng Danh dự của Hội HĐQĐ sau đó.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu tại trại Tự Tin đã ban những hồi trống thi đua cho toàn trại.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Trung tướng Trần Văn Trung, người đã có ý định đoàn ngũ hóa thiếu nhi quân đội.
Tan Son Nhut AFB, Vietnam. Photographer: 2LT Edward J. McNamara. Bob Hope Christmas Show. LTG Trung ( a Vietnamese General) of the Central Training Command.



Trung úy Lâm Văn Khanh và Thiếu tá Nguyễn Tuyên Thùy trong buổi lễ trình diện Hướng đạo Quân đội tại Đồi 18 thuộc Trường Bộ Binh Thủ Đức lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
Ảnh: Trúc Giang MN.



Đôi giòng về VOI HOẠT BÁT.
VOI HOẠT BÁT là tên Rừng của Hướng Đạo Sinh Nguyễn Huy Hùng, do Trưởng Nguyễn Duy Thưởng trưởng Đoàn Mẫu Sơn thuộc Châu Lạng Sơn Hội Hướng Đạo Sinh Đông Dương (Bắc Phần Việt Nam) đặt cho sau cuộc săn đêm trong dịp cả Đoàn tham dự Trại Hè năm 1942 tại đỉnh núi Mẫu Sơn Quận Lộc Bình, nơi có một trong các cột mốc quy định ranh giới Việt Nam Trung Hoa.
Nguyễn Huy Hùng gia nhập Bầy Sói Tam Thanh vào cuối năm 1940, do Trưởng Hoàng Trọng Cầu (một giáo viên bị nghi vấn tham gia các hoạt động chính trị theo Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chống Pháp) bị chuyển từ Hà Nội lên miền thượng du Lạng Sơn phục vụ thời gian 2 năm. Sau 3 tháng sinh hoạt với Bầy, Sói con Hùng được dự Lễ Tuyên Hứa nhận khăn quàng Sói Con và được Bầy đón mừng bằng Tiếng Rống Lớn. Ngày Saint Patrick (17 March 1941) Sói Con Hùng lại được Bầy tiễn lên Đoàn Mẫu Sơn bằng Tiếng Rống Lớn lần thứ hai ngay bên động Tam Thanh (nơi có Hòn vọng Phu Nàng Tô Thị), thật là những kỷ niệm khó quên.
Lên Đoàn Mẫu Sơn, tân Thiếu sinh Hùng được bổ sung vào Đội Voi. Sau 3 tháng sốt sắng tu luyện học hành đầy đủ chương trình, được dự Lễ Tuyên Hứa trao khăn quàng Hướng Đạo Sinh. Rồi nhờ tận tụy hăng say trong mọi sinh hoạt của Đội, nên 3 tháng sau được các Đội sinh cùng Đội bàn thảo và đồng thuận trình xin Đoàn trưởng giao phó cho trách nhiệm Đội phó (mang 1 băng vải trắng dài nơi túi áo trái của đồng phục). Sau đó, Đội Trưởng của Đội nghỉ sinh hoạt vì theo gia đình di chuyển khỏi Thị xã Lạng Sơn, nên Đội phó Hùng lại được đoàn sinh trong Đội bầu và xin Đoàn trưởng cử làm đội trưởng. Trong dịp tham dự Trại Hè 1942, Đội Trưởng Hùng đã được Đoàn tổ chức cuộc săn đêm theo truyền thống Hướng Đạo và đặt cho Tên Rừng là VOI HOẠT BÁT.
Nhờ kết quả Đoàn Mẫu Sơn tham gia các hoạt động giúp ích xã hội rất hăng say hữu hiệu, được quảng đại quần chúng mến thương hỗ trợ, nên nhiều gia đình trung lưu và thượng lưu trong thị xã bắt đầu xin cho con em gia nhập Đoàn rất đông. Do đó, Trưởng Ernest Rétif, một người Việt lai Pháp đang phụ trách Châu Hướng Đạo Sinh Đông Dương tại Lạng Sơn, phải quyết định lập thêm Bầy Sói Nhị Thanh và Đoàn Thiếu Chi Lăng.
Voi Hoạt Bát được đưa qua Đoàn Chi Lăng làm đội trưởng Đội Hươu kiêm đội trưởng nhất, phụ giúp Đoàn Trưởng Trần Trung Du xây dựng Đoàn Chi Lăng, cho đến tháng 9 năm 1945 mới ngưng hoạt động, vì Hội Hướng Đạo Sinh Đông Dương không còn ai điều hành nữa.
Ủy Ban Nhân Dân Cứu Quốc do Việt Minh điều hành quản trị thị xã Lạng Sơn, có họp tất cả các Hướng Đạo Sinh cũ lại để yêu cầu tiếp tục hoạt động theo danh xưng mới là Đoàn Thanh Thiếu Nhi Cứu Quốc, và mọi đoàn sinh hiện diện đều đề nghị Voi Hoạt Bát đứng ra trách nhiệm điều hành, nhưng vì danh xưng và nhiệm vụ dự kiến không phù hợp với chủ trương căn bản của Hướng Đạo, nên Voi Hoạt bát đã từ chối, cũng vì thế mà sau này gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày tại nơi cư ngụ.
Vào Thập niên 1970, Voi Hạt Bát lại có dịp may gặp lại Trưởng Trần Trung Du tại Sài Gòn. Thời gian này Trưởng Du cũng đang hoạt động trong Hội Hướng Đạo Việt Nam, nên Trưởng Du đã cố vấn cũng như mời gọi các Trưởng Hướng Đạo Việt Nam khác tiếp tay hỗ trợ cho Voi Hoạt Bát rất nhiều trong việc tổ chức điều hành Hội Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
(Trích trong: http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=10225%3Ahng-o-quan-i-vit-nam-cng-hoa&catid=34%3Adin-an-c-gi&Itemid=53 )
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Hớt tóc tại trại tỵ nạn Phú Lợi (Bình Long) tháng 4 năm 1972.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Chơi nhảy bao bố, một trong những trò chơi thi đua rất ngoạn mục của các em HĐSQĐ.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)


Giờ tinh thần tại trại.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành).



Giờ tinh thần Công giáo tại trại.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Về thôn quê đóng trại và giúp vui đồng bào bằng những hoạt cảnh lịch sử và điệu vũ dân tộc.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)


Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)


Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Đáp đền công ơn và sự khích lệ tinh thần của những ân nhân, Hướng đạo sinh Quân đội luôn có mặt khắp nơi giúp ích đồng bào. Hình bên là các HĐS Quân đội đang trợ giúp người bị nạn trên xa lộ.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Trăm hay không bằng tay quen. Các Sói con đang học nấu ăn và sống với thiên nhiên trong những ngày trại.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)





Xuất du, vượt suối băng rừng để tìm hiểu truyền thống tiềm tàng của quê hương Việt Nam thân yêu, là một trong những mục tiêu của Hướng đạo Quân đội.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành)



Tiếp phát thực phẩm cho đồng bào nạn nhân chiến tranh tỵ nạn Đà Nẵng.
Ảnh: Đặc san 1974 Hướng Đạo Quân Đội (Tổng cục CTCT/Cục TLC ấn hành).








Các HĐSQĐ đón chào các quan khách Mỹ Việt đến thăm trại của đơn vị.



Trước tượng Thương Tiếc tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.


Tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.


Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.


Các em nữ HĐSQĐ trong một buổi lễ tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trước năm 1975.

Ảnh: Thúy Nga Paris

Hướng đạo Quân đội tại trại Họp bạn Toàn quốc HĐVN Tam Bình, Thủ Đức 1974.
Ảnh: Trâu Cần Cù Daklak.



Kỳ đài của Hướng đạo Quân đội tại trại Họp bạn Toàn quốc HĐVN Tam Bình, Thủ Đức 1974.
Ảnh: Cộng đồng Tráng huynh Bạch Đằng Saigon.



Bìa tờ Đặc san Hướng đạo Quân đội ấn hành năm 1974.


Bên trong đặc san có nhiều hình ảnh về phong trào Hướng đạo Quân đội.


Bìa sau cuốn Đặc san HĐQĐ 1974.


Các thiếu sinh HĐQĐ đang giải khát.
Ảnh: Leroy P. McCarty_69-70

Họa sĩ Trịnh Cung (Trung úy Nguyễn văn Liễu), người đã từng tham gia phong trào Hướng đạo Quân đội trong những năm đầu thập niên 70.
Ảnh: Luan Hoan.


Vườn Tao Đàn trước năm 1975.


Vườn Tao Đàn trước năm 1975.


Trước khi thành lập Hướng đạo Quân đội, đã có nhiều viên chức sĩ quan trong Quân đội VNCH yêu mến phong trào Hướng đạo. Trong hình các em đang xin chữ ký, bên cạnh có các trưởng Tôn Thất Dương Vân và Lê Mộng Ngọ.


Huy hiệu chính thức của Hội Hướng đạo Quân đội.

Nền màu Xanh Lơ sậm, hoa Bách Hợp màu trắng, giữa hoa Bách Hợp có hình Phượng Hoàng vàng mang khiên Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa (lấy từ huy hiệu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra). Huy hiệu đeo ở nơi túi áo trái của bộ đồng phục. Các điều khác biệt với Hướng Đạo Việt Nam là ngay khi nhập Đoàn, Đoàn sinh được mang khăn quàng của đơn vị ngay chớ không phải chờ học đủ chương trình rồi mới làm Lễ Tuyên Hứa để được mang. Các biểu hiệu đội trưởng nhất (3 vạch), đội trưởng (2 vạch) và đội phó (1 vạch) được gắn trên 2 cầu vai áo chớ không gắn trên túi áo bên ngực trái của bộ đồng phục như Hướng Đạo Việt Nam.
(Hình đăng trên Đặc san nội bộ)


Tài liệu tham khảo:

.Lịch sử Hướng đạo Quân đội Việt Nam Cộng Hòa của tác giả Trúc Giang MN đăng trên mạng:
.Đặc san Hướng đạo Quân đội 74, Tổng cục Chiến tranh Chính trị Cục Tâm lý chiến ấn hành, Sài Gòn 1974
…………………………………
[1] Trưởng Nguyễn Tuyên Thùy vừa mới lìa Rừng hồi tháng 2 năm 2017 tại San José, California (Hoa Kỳ). Phục vụ trong Quân đội với cấp bậc Thiếu tá. Tốt nghiệp Khóa 13 Trường Võ Bị Đà Lạt (1956-1958).
Năm 1962, khi phục vụ tại Trường Đại học Quân sự (Đà Lạt), trưởng Nguyễn Tuyên Thùy đã thành lập Tráng đoàn Đống Đa (thuộc Đạo Lâm Viên) đầu tiên. Và cũng tại thành phố Đà Lạt thơ mộng, sinh hoạt với Đạo Lâm Viên, chính trưởng là tác giả vẽ huy hiệu Đạo như chúng ta đang thấy ngày nay.
Năm 1966, trưởng Nguyễn Tuyên Thùy được thuyên chuyển về Tổng cục Chiến tranh Chính trị, công tác tại Trường Bộ Binh (Thủ Đức) giữ chức vụ Trưởng phòng Xã hội.
Về sinh hoạt ở bên phong trào Hướng đạo Việt Nam, năm 1974 trưởng Nguyễn Tuyên Thùy được Hội HĐVN cử làm Châu trưởng Châu Đông Sơn bao gồm Thủ Đức, Biên Hòa, Tây Ninh, Vũng Tàu…, Tráng trưởng Tráng đoàn Dã Mã Võ Thanh Minh, một trong những Tráng đoàn có tiếng ở Việt Nam.
Tháng 6 năm 1993, trưởng Nguyễn Tuyên Thùy và gia đình đoàn tụ tại Mỹ theo chương trình HO. Trưởng vẫn tiếp tục sinh hoạt Hướng đạo cho đến khi từ giã cuộc chơi vào ngày 21 tháng 2 năm 2017. Trưởng Nguyễn Tuyên Thùy có tên Rừng là Sóc Nhanh Nhẹn.

[2] Nguyễn Văn Liễu, tức Họa sĩ Trịnh Cung, là một trưởng HĐVN thuộc Đạo Phiên An ngày xưa. Anh từng phục vụ trong Quân đội với cấp bậc Trung tá QLVNCH.
Từ năm 1970 đến năm 1973 anh dạy hội họa tại các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn.
Sau năm 1975 anh ở lại Sài Gòn, và mãi đến năm 1985 anh mới trở lại ngành hội họa, đặc biệt là hội họa trừu tượng. Những tác phẩm nổi tiếng của anh gồm có: Mùa thu tuổi nhỏ, Đứa trẻ du ca, Cuộc đầu hàng của gia đình tôi, Hòa tấu trong sa mạc, Âm vang của đất…
Năm 1996 anh sang Mỹ đoàn tụ và tiếp tục treo mình trên giá vẽ, cống hiến những tác phẩm để đời, đi diễn thuyết, triển lãm tại nhiều nơi và đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Anh hiện đang sinh sống tại Sài Gòn cùng với vợ là nhà thơ Phương Lan và con trai.
Để biết thêm về anh, các bạn có thể tìm đọc:
[3] Lâm Văn Khanh là Trung úy, hiệu trưởng Trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức từ năm 1965-1975.
[4] Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị (1966-19750, thời niên thiếu đã từng là một Hướng đạo sinh trong Nhà Dòng. 
Năm 1948, thi hành lệnh động viên, ông gia nhập Quân đội Liên hiệp Pháp, học tại Trường Võ Bị Huế. Đến năm 1950 ông mãn khóa tham gia Quân đội Quốc gia và Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đại Phương Trung Việt. Năm 1955 ông chuyển sang Quân đội VNCH và giữ chức Giám đốc Nha Tâm lý chiến thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 1964, ông làm Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt và đầu năm 1965 ông được cử làm Chì huy trưởngtrưởng Bộ Binh (Thủ Đức).
Trong suốt thời gian làm Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh (Thủ Đức), tướng Trần Văn Trung đã có kế hoạch đưa các con em quân nhân vào tổ chức. Anh Lê Chí Thiện là quân nhân tại trường đã đứng ra tập họp và sinh hoạt với các em thanh thiếu niên rất thành công, tướng Trần Văn Trung lấy làm hài lòng và sau này, chính đây là nhóm tiền thân của Hướng đạo Quân đội sau này.
Khoảng năm 1966, tướng Trung (vào thời điểm này là Chuẩn tướng) đã gặp Trung úy Lâm Văn Khanh, hiệu trưởng Trường Trung Tiểu học Võ Khoa (Thủ Đức) để bàn thảo và đưa ý định đoàn ngũ hóa thiếu nhi Quân đội, chọn trường làm thí điểm. 
Do thuận lợi của Trường Bộ Binh sẵn có, thành phần huynh trưởng Hướng đạo có nhiệm vụ lên kế hoạch hàng ngũ hóa thiếu nhi quân đội đã hình thành: Chỉ huy và điều động tổng quát có Trung úy Lâm Văn Khanh, bên cạnh các trưởng yễm trợ có trưởng Phạm Quang Lộc (Thiếu úy), Châu Thị Minh (Giáo viên), Võ Văn Hóa (Trung úy), Hồ Nhị Hòa (thuộc Binh chủng Thiết giáp, phụ trách sinh hoạt), Lê Thành Bé, Ngô Văn Tỏ… Hầu hết các sinh viên sĩ quan của Trường Bộ Binh (Thủ Đức) đều được giữ lại ở trường nếu có gốc là Hướng đạo để làm nhiệm vụ này. Đó là chưa kể sự đóng góp rất lớn của hai trưởng kỳ cựu là Nguyễn Tuyên Thùy và Nguyễn Văn Liễu.
Trung tướng Trần Văn Trung rời Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975 và định cư tại Pháp.

[5] Anh Nguyễn Huy Hùng là Đại tá QL/VNCH. Trước năm 1945 anh từng sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo Đông Dương. 
Ghi chú trong “Đặc san HĐQĐ 74” có ghi Đại tá Nguyễn Huy Hùng là Phụ tá Tổng Cục trưởng CTCT, đặc trách chương trình Thiếu nhi Quân đội, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Ủy Viên Hội Hướng Đạo Quân Đội.
Chi tiết xem thêm: http://colhungnguyen.webs.com/

[6] Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Hội trưởng Hội HĐVN trước năm 1975, từng làm Khoa trưởng Đại học Nha khoa Sài Gòn, Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục & Thanh niên.
Trưởng BS Nguyễn Văn Thơ đã từ giã cuộc chơi ngày 3 tháng 2 năm 2002 tại Houston, Texas (Hoa Kỳ).
Phu nhân trưởng Nguyễn Văn Thơ là bà Phan Nguyệt Minh, cựu dân biểu Quốc hội thời Đệ I Cộng hòa (1959-1963), Thượng nghị sĩ thời Đệ II Cộng hòa (1967-1973), từng là Hội trưởng Hội Nữ Hướng đạo Việt Nam trước 1975, đã qua đời hồi tháng 8, 2015.

[7] Một địa danh quen thuộc đối với các Trưởng và Hướng đạo sinh. Vườn Tao Đàn ngày xưa, thời Đông Dương gọi là vườn ông Thượng. Trong tác phẩm “Nửa Đời Còn Lại” (Nhà xb Tổng hợp TPHCM, 2013) của Học giả Vương Hồng Sển, trang 25 và 26 có ghi vườn ông Thượng chính là nơi Tả quân Lê Văn Duyệt thời đó làm Thượng công, nên phần đất ở phía trước thuộc lãnh vực ông ngồi ngự trị mà dân chúng đã ngưỡng mộ ông đặt thành vườn ông Thượng. Học giả Vương Hồng Sển cũng cho biết rằng, vườn ông Thượng đã có trước khi Toàn quyền Maurice Long cầm quyền trong những năm 1920 và 1921. Vườn Tao Đàn cũng có người quen miệng gọi là Vườn Bờ-rô (có lẽ là theo theo phiên âm tiếng Pháp từ chữ Préau).
Khi người Pháp rút lui, Vườn Tao Đàn trở thành công viên chính của thành phố Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, vườn đổi tên là Công viên Văn hóa Tao Đàn. Trước và sau năm 1975, nơi đây chính là địa điểm sinh hoạt sôi nổi của các đơn vị Hướng đạo Việt Nam và cả Hướng đạo Cảnh sát, Nghĩa Sinh…

Khoảng đầu thập niên 80, khi phong trào Hướng đạo phục hoạt tại thành phố Sài Gòn, vườn Tao Đàn đã trở lại sinh khí của một phong trào thanh thiếu niên đã tiềm ẩn hơn 5 năm, trải qua những ngày tháng sinh hoạt “chui” thật cơ cực, và giờ đây Tao Đàn lại là địa điểm ưa chuộng nhất của Hướng đạo vào những ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, cũng chính là địa điểm của những người anh em tay trái gặp mặt nhau, hàn huyên tâm sự, ôn lại một thời vang bóng của mình mà phong trào Hướng đạo đã đem lại… bên những tách cà phê nóng hoặc đá lạnh!
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét