Trong quá trình phát triển của phong trào Hướng đạo tại Việt Nam hơn 85 năm qua, nhiều đoàn thể như Hội Hướng đạo Cảnh sát, Hội Hướng đạo Quân đội, Gia đình Phật tử…và một số khác đã thành lập và tổ chức theo phương pháp Hướng đạo [1].
Huy hiệu Hướng đạo Cảnh sát bắng kim khí.
(Ảnh: GTT)
(Ảnh: GTT)
Dựa theo pháp luật dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và VNCH, quyền tự do lập hội được khuyến khích và tôn trọng, nhiều hội đoàn dành cho thanh thiếu niên nam nữ đã được hình thành theo yêu cầu đòi hỏi của giới trẻ [2].
Huy hiệu Cảnh sát Quốc gia VNCH.
Chính vì thế, nhu cầu và việc giáo dục con em nhân viên Cảnh sát Quốc gia là cần thiết, ông Nguyễn Tấn Cường [3], cựu giám đốc Cảnh sát Đô thành Sài gòn, kiêm Cố vấn Nha Thanh Niên & Thể Thao Nam Phần, đã đứng ra thành lập Hội Hướng Đạo Cảnh Sát.
Huy hiệu chính thức của Hướng đạo Cảnh sát.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Ngày 9-7-1952, Hội Hướng Đạo Cảnh Sát chính thức được hoạt động trên toàn lãnh thổ Nam Phần Việt Nam bằng Nghị định số: 1.428/Cab/Daa do Thủ Hiến Nam Phần phê chuẩn.
Văn phòng Trung ương Hội HĐCS ấn hành HƯỚNG ĐẠO HẠNG NHỨT năm 1972.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Hướng đạo Cảnh sát thành lập nhằm mục đích hướng dẫn thanh thiếu niên về 4 phương diện: Đức, Trí, Thể, Thực theo phương pháp của phong trào Hướng đạo Thế giới do Huân tước Baden Powell sáng lập từ năm 1907 và phong trào Hướng đạo Việt Nam thành lập từ năm 1930.
Quyển "Hướng Đạo Hạng Nhứt" do Hội Hướng Đạo Cảnh Sát ấn hành là kim chỉ nam của mỗi HĐSCS.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Dựa trên nền tảng của nguyên lý Hướng đạo, Hội HĐCS hướng dẫn mỗi thành viên để trở thành những công dân gương mẫu và hữu ích cho gia đình, xã hội và quốc gia.
Huy hiệu kim khí với vòng tròn chung quanh, thường được đính trên mũ.
(Photo courtesy of J-H Cardona / Huu Tran)
(Photo courtesy of J-H Cardona / Huu Tran)
Trong những năm đầu phát triển phong trào, Hội HĐCS đã có khoảng 400 đoàn sinh vào năm 1952, đến năm 1971 tổng số đoàn sinh lên tới 3393 đoàn sinh [4]. Chỉ riêng trong năm 1962, năm hưng thịnh nhất của phong trào đã lên tới 3000 đoàn sinh.
Sơ đồ tổ chức
Hội Hướng đạo Cảnh sát.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Hội Hướng đạo Cảnh sát.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Có tất cả 17 đơn vị HĐCS tại Sài Gòn và Gia Định được tổ chức thành một Châu gọi là Châu Thủ Đô. Hội còn có 4 Châu khác là Châu Quân Khu I, II, III và IV. Riêng Châu Thủ Đô có 5 Đạo và 10 Liên đoàn [5] bao gồm các ngành Ấu, Thiếu, Kha và Tráng. Đầu tiên là chỉ dành cho con em nhân viên cảnh sát, sau đó Hội đã mở rộng, đón tiếp tất cả thanh thiếu niên bên ngoài nếu tự nguyện tham gia phong trào, không bất kể tôn giáo nào hay giai cấp.
Băng "HƯỚNG ĐẠO CẢNH SÁT" mang bên trên túi áo bên phải trên đồng phục Hướng đạo, tương tự như của Hướng đạo Việt Nam.
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
(Photo courtesy of Hieu Nguyen)
Vì là một tổ chức riêng biệt, không trực thuộc Hội Hướng đạo Việt Nam hay Tổ chức phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM), Hội Hướg Đạo Cảnh Sát là một hội đoàn độc lập và tự chủ nhưng dựa vào hình thức tổ chức của Hội HĐVN nên Hội HĐCS cũng có một cơ quan lãnh đạo tối cao là Hội đồng Trung ương.
Hướng đạo Cảnh sát trên đường phố Sài Gòn khoảng năm 1969.
(Ảnh: Rachelle Smith)
(Ảnh: Rachelle Smith)
Hội đồng Trung ương gồm có Hội trưởng, Phó Hội trưởng, Tổng Ủy Viên (gồm có Ủy viên 4 Ngành và Ủy viên Tu thư Báo chí), Phó Tổng Ủy Viên, Tổng Thư ký, Ủy viên Huấn luyện Toàn quốc (tức Trại trưởng) và Ban Huấn luyện, Ủy viên Kiểm toán, và một số các nhân viên Quản trị, Ban Bảo trợ Toàn quốc cũng như đại diện các tôn giáo [6]
Tua vai với huy hiệu kim khí của Hướng đạo Cảnh sát trong Bộ sưu tập của Trưởng Tsunetoshi Fujiwara (常智藤原).
Ảnh: 常智藤原
Ảnh: 常智藤原
Đằng sau tua vai có ghi: Khóa căn bản Huynh trưởng Long Hải 30-11-73 (bạn nào đọc được chính xác hơn xin làm ơn ghi chú hộ, thành thật cảm ơn).
Ảnh: Tsunetoshi Fujiwara_常智藤原
Ảnh: Tsunetoshi Fujiwara_常智藤原
Những huynh trưởng đã gây dựng và phát triển phong trào Hướng đạo Cảnh sát đáng kể có: Nguyễn Văn Xuyến, Nguyễn Văn Năng, Huỳnh Đức Linh cùng với một số Huấn luyện viên Thanh niên: Quách Vĩnh Chung, Nguyễn Tuấn Kiệt, Huỳnh Trọng Đạt, Trương Bá Tường, Lưu Đình Hạnh và Lê Văn Hai.
Tương tự như Hội Hướng đạo Việt Nam, Hội Hướng Đạo Cảnh Sát đã tự động phải giải tán sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
---000---
Nguồn:
Hướng Đạo Hạng Nhứt của Huỳnh Đức Linh biên soạn, Văn phòng Trung ương HĐCS ấn hành năm 1972.
Gấu Tận Tụy chân thành cảm ơn Tr. Sóc Nhiệt Tình Nguyễn Chí Hiếu đã cung cấp một số tài liệu và hình ảnh để hoàn tất bài viết này.
Tuy nhiên, việc truy tìm cũng rất giới hạn, kính mong quý Trưởng và ACE nếu có thông tin hoặc tài liệu, hình ảnh liên quan, xin góp phần để chia sẻ với mọi người và bổ túc cho bài viết được phong phú, có giá trị hơn. Thành thật cảm ơn. TABTT
GTT
………………………………
[1] Phong trào Hướng đạo Thế giới đã có từ hơn 100 năm nay (1907 ở Anh quốc, do Huân tước Robert Baden-Powell sáng lập) và du nhập vào VIệt Nam cuối thập niên 20 do người Pháp đem đến. Mãi đến năm 1930, ông Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy mới tổ chức thành các đơn vị Hướng đạo Việt Nam đầu tiên. Tính đến nay đã trên 85 năm, phong trào Hướng đạo Việt Nam đã ảnh hưởng không ít gì nhiều đến các hội đoàn sau này, như Gia đình Phật tử (thành lập khoảng năm 1940), Hội Hướng đạo Cảnh sát (1952), Hội Hướng đạo Quân đội (1969), Thiếu Niên Thần Phong (1967)… và gần đây là Khăn Quàng Xanh (khởi xướng từ mùa hè năm 1987 nhưng sau đó phải giải tán!), Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu (2008)… đều có mô hình tổ chức, sinh hoạt, huấn luyện kỹ năng chuyên môn… đến cả đồng phục gần giống như Hướng đạo!
Điều đó cũng không có gì làm lạ, vì sau khi phong trào Hướng đạo Thế giới hình thành, đã có rất nhiều tổ chức Hướng đạo không liên kết và các tổ chức giống Hướng đạo (Non-aligned Scouting and Scout-like organizations) được thành lập, tỷ dụ như: Đoàn Thám hiểm (Adventure Corps của Salvation Army), Tầm lộ Đoàn (hay còn gọi là Người Dẫn đường (Pathfinders) của Adventism, Nazarene Caravan), Royal Ranger của Petecostalism… Không kể một số đoàn nằm dưới sự quản lý của một đảng hay một chính phủ cầm quyền như Đội Thiếu niên Tiền phong (Всесою́зная пионе́рская организа́ция и́мени В. И. Ле́нина) ở Nga (sau khi cấm phong trào Hướng đạo hoạt động tại quốc gia này từ năm 1922), và lần lượt đã có nhiều quốc gia trong khối Cộng sản rập khuôn theo. Ngày nay chỉ còn có Cuba, Việt Nam, CHND Trung Hoa, và Bắc Hàn là vẫn còn tiếp tục duy trì tổ chức Đội Thiến niên Tiền phong. (Xem thêm chi tiết nơi: https://en.wikipedia.org/…/Vladimir_Lenin_All-Union_Pioneer…).
[2] Tìm đọc thêm bài của Luật sư Nguyễn Lệnh với tựa đề: “Quyền tự do lập hội của các Hướng đạo sinh Việt Nam bị xâm phạm như thế nào?”
Hoặc “Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013” của PGS.TS Vũ Công Giao (http://isee.org.vn/…/bao-dam-quyen-tu-do-lap-hoi-theo-hien-…)
[3] Khi người Pháp trở lại miền Nam năm 1946, họ muốn tái lập thuộc địa và thành lập ra Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ thuộc Nam Kỳ Tự Trị ngày 12-2-1946. Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Nam Kỳ Quốc do Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập và đã ra mắt trước Nhà thờ Đức Bà Sài gòn ngày 2-6-1946. Thành phần chính phủ có ông Nguyễn Tấn Cường là Thứ trưởng Công an Đô thành Sài Gòn/Chợ Lớn. Bs Nguyễn Văn Thinh là Thủ tướng kiêm Nội vụ (nguồn: http://www.ahvinhnghiem.org/CaoThang/NhinLaiLichSuNVN.html)
Ông Nguyễn Tấn Cường đã đảm nhiệm phong trào đầu tiên vào những năm 1952-1953 với vai trò là Hội trưởng Danh dự Hội Hướng đạo Cảnh sát. Đến năm 1954-1955 thì ông Trần Văn Tư (Giám đốc Nha Cảnh sát Đô Thành Sài Gòn) được mời làm Hội trưởng Danh dự.
[4] Theo thống kê của Hội Hướng đạo Cảnh sát, trang 28 và 29, Hướng Đạo Hạng Nhứt, Văn phòng Trung ương ấn hành năm 1972 do Huỳnh Đức Linh biên soạn.
[5] Châu Thủ Đô có tất cả 5 Đạo là: Lê Văn Duyệt (Gia Định), Trùng Dương (Hải Cảng), Trường Sơn (Quận 1), Chí Linh (Quận 6), và Diên Hồng (Quận 7).
10 Liên đoàn gồm có Liên đoàn Lý Thường Kiệt (sinh hoạt ngay tại Nha CS Đô Thành Sg), Lđ Nguyễn Tri Phương (sinh hoạt chính tại Nha CS Công Lộ), Lđ Trung Thu (tại Trường Trung Thu), Lđ Võ Tánh (Quận 2), Lđ Đống Đa (Quận 3), Lđ Nguyễn Huệ (Quận 4), Lđ Chi Lăng (Quận 5), Lđ Tùng Thiện Vương (Quận 8), Lđ Tây Sơn (Quận 10), và Lđ Lê Lợi (Quận 11).
Như vậy, tính ra chỉ có Đô thành Sài Gòn là mỗi Ty Cảnh sát Quốc gia đều có trụ sở của Hội HĐCS từ cấp Liên đoàn đến cấp Đạo.
Ngoài ra, Hội HĐCS còn có hơn 16 đơn vị rãi rác khắp khắp 16 tỉnh miền Tây thuộc vùng IV (tính đến tháng 8 năm 1970). Các vùng I, II, và III sau đó cũng đã phát triển phong trào HĐCS cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Mỗi Cuộc CSQG (các Quân khu) thành lập ít nhất một Thiếu đoàn hay một Ấu đoàn.
[6] Thành phần của Bộ TUV Hội HĐCS (1970-1972) gồm có:
Tổng Ủy Viên: Huỳnh Đức Linh
Ủy Viên Huấn Luyện: Huỳnh Đức Thoại
Ủy Viên Ngành Tráng: Đỗ Duy Đối
Ủy Viên Ngành Thiếu: Vũ Viết Đính
Ủy Viên Ngành Ấu: Lê Ngọc A
Ủy Viên Liên Lạc & Báo Chí: Trương Văn Tồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét