SEARCH

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

61. Bài ca chính thức của Hướng đạo Việt Nam ngày xưa.


Trong những nghi thức chào cờ, sau bài Quốc ca là bài Hội ca Hướng Đạo Việt Nam thường được cất vang lên trong bầu không khí thật trang nghiêm và đầy khí thế.


Bài Hội ca (tức "Hướng đạo Hành khúc") của Lưu Hữu Phước thường có trong các tập sách nhạc sinh hoạt Hướng đạo, 


Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người đã sáng tác ra bài "Hướng đạo Hành khúc", và cũng là tác giả bài "Tiếng gọi Thanh niên" (sau trở thành bài Quốc ca VNCH).

Khi đã bước chân vào phong trào Hướng đạo, bài này phải thuộc lòng, cũng giống như ngày xưa, thế hệ đàn anh thuộc bài "Xí-nù-vù-lông" (Si Nous Voulons).

“Nâng cao lá cờ Hướng đạo nhuộm oai hùng sáng ngời. Ta cùng đi cùng xây đời mới...” chính là bài Hội ca mà chúng ta đã sử dụng từ nhiều thập niên qua. Bài này sáng tác bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) vào khoảng năm 1946 khi cao trào nhạc hùng ca đang lên. Ông là một tráng sinh của Tráng đoàn Lam Sơn, một tráng đoàn cột trụ của phong trào Hướng đạo tại Hà Nội do trưởng Hoàng Đạo Thúy hướng dẫn [1].

Nhưng nếu đi ngược lại dòng lịch sử thì bài “Hướng Đạo Hành Khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chưa phải là một bài ca chính thức của Hướng đạo Việt Nam! mà trước đó lại chính là bài “Si Nous Voulons Être Forts”[2] đã được chọn là bài ca chính thức của Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme) một thời đã được chọn và được cất lên bằng Pháp ngữ trong 5 xứ thuộc địa của Pháp thời bấy giờ ở Đông Dương (Cam Bốt, Lào, và 3 xứ Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ). Bài này do chính trưởng Raymond Schlemmer[3], Phó Ủy viên Toàn quốc Scouts de France (SdF) phổ nhạc. Nguyên thủy bài này đã được in trong cuốn “Cérémonial” của Liên Hội Hướng đạo Đông Dương như sau:

Si nous voulons être forts
Si nous voulons marcher droit jusqu'au bout,
Nous unirons nos efforts,
Et nous suivrons notre Loi.
Avec de l'amour au coeur
Avec un sourire aux yeux,
De nous-mêmes d'abord vainqueurs
Et tout ira pour le mieux

Những tháng đầu năm 1939, tờ Hướng đạo Thẳng Tiến (do trưởng Hoàng Đạo Thúy chủ trương) phát hành tại Hà Nội, đã bắt đầu kêu gọi anh chị em tham gia dịch thuật, chuyển bài hát này bằng tiếng nước ta để chính thức làm bài hát cho cả ba xứ Bắc-Trung-Nam, riêng Lào và Cam Bốt đã có dịch và hát bằng ngôn ngữ của họ.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đầu tiên có bài dịch sang Quốc ngữ là anh Phan Huy Tài thuộc Tráng đoàn Lam Sơn[4]:

Muốn nên người mạnh mẽ và bền gan,
Muốn trên đường trường tiến cho đến cùng
Chúng ta phải cùng nhau hiệp sức
Và đều tuân theo một “luật chung”
Với một tấm lòng chứa chan tình-ái
Với một nụ cười trước sự khó khăn
Nhưng trước, ta phải tự thắng ta
Rồi ra vạn sự cũng thành công

Bài “Si Nous Voulons Être Forts” sau đó được cải thiện hơn, lưu loát hơn bằng Việt ngữ qua bản dịch của trưởng Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh, và được trở thành bài ca chính thức của Hướng đạo Đông Dương dành cho 3 xứ nói tiếng Việt., mà ngày nay chúng ta thường gọi là bài “Muốn Nên Người Cường Tráng”:

Muốn nên người cường tráng đời nay
Muốn trên đường đời tiến lên hoài
Phải hiệp lực, phải vững lòng bền chí dầy công
Nhớ luôn luôn lời hứa luật chung

Phải biết ái nhân như ái thân
Phải biết vui tươi khi khó khăn
Mong chúng ta hãy tự tu thân mình
Rồi bao nhiêu việc khó đều xong.


Trưởng Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh.
(Ảnh trong bộ sưu tập của trưởng Phạm Quang Lộc)
Trưởng Võ Thanh Minh là người đã chuyển dịch sang Việt ngữ bài “Si Nous Voulons Être Forts” do Raymond Schlemmer phổ nhạc.

Bài hát này được sử dụng mãi cho đến đầu thập niên 50, riêng ở miền Nam (sau khi chia đôi dất nước từ năm 1954) thì được thay thế bằng bài “Hướng Đạo Hành Khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. “Si Nous Voulons Être Forts” gần như đã bị lãng quên, và “Muốn Nên Người Cường Tráng” được chọn là bài ca chính thức của Kha sinh Việt Nam [5]. “Hướng Đạo Hành Khúc” thì vẫn được coi là bài ca chính thức của phong trào Hướng đạo Việt nam trong và ngoài nước.


Tài liệu tham khảo:


.Lịch sử Hướng đạo Việt Nam, hồi ký của Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc do Liên đoàn Chi Lăng HĐVN Toronto, Canada xuất bản và phát hành năm 1985.

.Hướng đạo Thẳng Tiến số 9, 1939. Cơ quan của khắp anh em Hướng-Đạo Đông-Dương.

.“Lịch sử Phong trào Hướng đạo Việt Nam” của Phạm Văn Phương (sưu tầm và biên soạn, 2002, lưu hành trong nội bộ).

.Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945 của Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn. Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2009.

.CHEF (Organe Officiel des Chefs de la Fédération Indochinoise de Scoutisme) số 4, Janvier 1938.

…........................................

[1] Trong một buổi thuyết trình về phong trào Hướng đạo tại Hội Trí thức Yêu nước TP HCM năm 1987, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói một câu rất tâm huyết: “Hướng đạo là một rung động suốt đời tôi” và anh đã dẫn chứng bằng động tác đưa cao sổ tay Hướng đạo mà anh đã gìn giữ một cách cẩn thận qua bao biến cố, chiến tranh, từ lúc còn là một Thiếu sinh cho đến ngày nay (trang 32 cuốn “Lịch sử Phong trào Hướng đạo Việt Nam” của Phạm Văn Phương sưu tầm và biên soạn năm 2002, lưu hành trong nội bộ).

Cũng trong Facebook của anh Đinh Hữu Quyến, những kỷ niệm về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có ghi lại như sau:

“Sau vụ hai đoàn “Khăn Quàng Xanh” Người Dẫn Đường (của Phan quang Đán) và Hướng Nghĩa (của Đinh hữu Quyến) bị giải tán năm 1987, Quyến tôi được một Trưởng giới thiệu với anh Phan Gia Bền. Anh Bền là một hướng đạo sinh, một nhà sử học và lúc bấy giờ là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam (hay Hội Trí Thức Yêu Nước?) ở TP.HCM, trụ sở ở 43 Nguyễn Thông, TP.HCM.

Tôi thẳng thắn nói ngay với anh là tôi muốn vận động tái lập Hướng đạo, anh đồng ý. Thế là hai anh em lên kế hoạch.

Trước hết là phải tìm cho được người “cầm cờ”. Sau một thời gian vận động, anh Lưu Hữu Phước đồng ý đứng ra chủ trì một cuộc hội thảo về Hướng đạo tại 43 Nguyễn Thông, TP.HCM.

Cuộc hội thảo đã diễn ra ngày 19-3-1989 với gần 300 người tham dự, đứng ngồi trào ra ngoài hội trường.

Hôm trước ngày hội thảo, Ban Tổ chức họp lần chót với sự hiện diện của các anh Lưu Hữu Phước, Phan Gia Bền, Trần Hữu Khuê, Hồ Khuê, Đinh Hữu Quyến và hai người nữa từ trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Trong khi họp, anh Phước tươi cười yêu cầu: “Xin anh nào còn nhớ bài Hội Ca thì hát lại cho tôi nghe”. Tôi ‘trẻ’ nhất nên được hát cho anh nghe. Sau cuộc họp tôi nói với anh : “Tôi thật sung sướng có vinh dự được hát một bài của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước theo yêu cầu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước”. Anh cười lớn, vỗ vai tôi và vui vẻ nói : “Tôi sẽ tặng anh một bản viết tay”.

Sau cuộc hội thảo ít lâu, một tối, khi đi dạy về, bước vào phòng khách tôi thấy hình anh trên màn hình tivi, tôi hiểu ngay: anh đã qua đời. Tôi rụng rời, nằm vật xuống giường mà cả người như tan biến. Tôi có nghe vợ tôi nói, bởi bả biết tôi đã phải chay vay chạy vạy như thế nào suốt mấy tháng qua: “Hướng đạo của anh số con rệp!”. “

Xem thêm tiêu điểm #11 về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với bài “Hướng Đạo Hành Khúc”.


[2] Trong bài “Ngày xửa ngày xưa” của Lê Nguyên Bách cũng có đoạn hồi ký viết về bài hát “Si Nous Voulons Être Forts”như sau: “Hướng đạo Việt Nam mang tên Éclaireurs de France thì bài hát chính thức (Chant Officiel) bắt buộc là bài “Toujours tout droit, Les Éclaireurs de France” (Hướng đạo Pháp luôn thẳng tiến). Về sau, muốn tránh chữ: de France trong khi mình là Việt Nam, bài hát chính thức được thay bằng bài: Si nous voulons être forts, và sau này nữa, được dịch là : Muốn nên người cường tráng đòi nay. Khi anh em hội họp, muốn hát bài chính thức, thì anh Trưởng ra lệnh: “Hát Xí-nù-vù-lông nhe” “(trích trang 507, Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945 của Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn. Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2009).

Tờ “Hướng đạo” (Nguyệt báo, Cơ quan chánh thức của Tổng cuộc Hướng Đạo Nam Kỳ) số 14 phát hành tháng 2 năm 1936 đã có lên tiếng “Đáng buồn cho anh em Hướng-Đạo Việt-Nam ta là không có bài hát chính thức ở nơi Họp-bạn bằng tiếng mẹ-đẻ,” và sau đó đã kêu gọi “Nào những anh em có badge “chanteur” và badge “Musicien” đâu, hãy nghĩ ra một bài hát tặng anh em H.Đ ba Kỳ coi nào!. Giải thưởng của “Hướng-Đạo”: xin gởi báo mãi mãi.”

Tưởng cũng nên biết là thời kỳ này Hướng đạo sinh Việt Nam thường ca hát bằng tiếng Pháp, những bài thuộc lòng hầu hết đều dựa vào những ca khúc sinh hoạt Hướng đạo Pháp như: “Toujours tout droit, Les Éclaireurs de France” (“Chant Fédéral), “Va, Scout de France”, “Au Revoir Scout”, “Chant Fédéral de Louveteaux”, “L'appel de la Route” ..v..v..

Và 2 năm sau thì tờ “CHEF” (Organe Officiel des Chefs de la Fédération Indochinoise de Scoutisme) số 4, Janvier 1938 cũng đã có đề nghị một bản nhạc chung cho các xứ. Một âm điệu sẽ được trải nghiệm ở trại trường Bạch Mã vào mùa hè năm 1938 mà nhiều người đã biết cái âm điệu của nó như thế nào, nhưng cần phải có lời nhạc thích nghi, những lời nhạc chứa đựng sức mạnh về niềm tin đối với phong trào, về niềm vui sướng trong đội ngũ và sự hòa nhập với môi trường thiên nhiên, với những hoạt động ngoài trời cũng như sự cởi mở của đất nước. Một bài nhạc thống nhất cho Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương ( Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme) là một việc làm cần thiết. Tờ CHEF kêu gọi gởi bài về cho Ủy viên Hoàng Đạo Thúy ở địa chỉ 38 - Rue Sœur Antoine, Hanoi trước ngày 1 tháng 2 (1938).


[3] Nhắc đến trưởng Raymond Schlemmer, Hoàng Đạo Thúy đã đề cập đến trong tập sách “Hội Hướng Đạo Việt Nam” (L'Association des Eclaireurs du Vietnam, bản dịch tiếng Pháp, 1998. từ bản gốc tiếng Việt, đánh máy, khởi thảo năm 1990) như sau:

“RAYMOND SCHLEMMER là Ủy viên cao cấp của SdF, công giáo. Đã chừng 60 tuổi. Nguyên là Tổng Ủy viên Quốc tế Hổng Thập Tự. Tính lối sinh hoạt nước Anh. Ông đến Đông Dương khoảng năm 1937 thu xếp cho con sang làm, nhưng để hết thì giờ làm HĐ. Ông gặp các cha cố, củng cố các đoàn HĐ ở các nhà thờ cho có tuyên úy đủ cả. Ông yết kiến Toàn quyền, đề nghị lập Comité Directeur du Scoutisme. Toàn quyền đích thân chủ tọa, mà định cạnh mỗi Ủy viên bản xứ có Ủy viên người Pháp. Ông lại yết kiến Bảo Đại, được tiền xây trại Bạch Mã. Ông rất hết lòng, nhưng thấy ngay mục đích của ông. Ông có bằng Trại trưởng (Duputy Camp Chef) nên có làm nhiều trại huấn luyện”.

Cũng trong tập sách này, Hoàng Đạo Thúy cũng ghi rõ vài nét về con trai trưởng Raymond Schlemmer chính là Christian Schlemmer, từng giữ vai trò Ủy viên Bắc kỳ trong Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme). Vợ là bà Françoise Schlemmer cũng là một Bầy trưởng. Gia đình Schlemmer đã có công giúp ích rất nhiều trong những năm tiên khởi của phong trào Hướng đạo Việt Nam, từ tổ chức đến huấn luyện, cũng như các bài viết rất có giá trị trong báo “Chef” (nội san Trưởng dành cho các trưởng ở Đông Dương bằng Pháp ngữ).

Raymond Sclemmer rời Đông Dương năm 1942 và sau 30 năm dấn thân với phong trào Hướng đạo, trưởng về hưu vào năm 1952.

Xem thêm tiêu điểm #1 về Raymond Schlemmer.

[4] Hướng đạo Thẳng Tiến số 9, trang 5 (1939)

[5] Trong tập sách “Kha sinh Mùa Xuân của Hướng đạo” của trưởng Trần Văn Lược (nguyên Tổng Ủy viên Hội Hướng Đạo Việt Nam 1970-1975) được xuất bản và phát hành năm 1969 thì bài “Muốn Nên Người Cường Tráng” đã chính thức trở thành bài ca của Kha sinh Việt Nam từ năm 1966 (trang 29 và 30, tái bản năm 2006 tại Sài Gòn, lưu hành nội bộ).

Tưởng cũng nên biết là vào năm 1966, tại trại trường Tùng Nguyên Đà Lạt, khóa Huy hiệu Rừng Quốc gia Kha đã được tổ chức tại đây do trưởng Lê Gia Mô làm khóa trưởng, trưởng Tôn Thất Hy làm phụ tá. Khóa này chính trưởng Tôn Thất Hy đã đề nghị lấy bài “Muốn Nên Người Cường Tráng” làm bài ca chính thức và dùng châm ngôn “Khai Phá” cho ngành Kha (trích trong cuốn “Sổ Tay Trưởng Hướng Đạo” của Cọp Gia Lai Tôn Thất Hy, do Cuu Long 689 Group xuất bản và phát hành năm 2014, trang 257).


Bài hát sau này được trở thành bài ca chính thức của ngành Kha từ năm 1966.


Trưởng Raymond Schlemmer (ngồi chính giữa) tại trại trường Bạch Mã (Huế) năm 1938.
(Ảnh sưu tầm trên mạng, không ghi rõ tác giả)


Tờ "Hướng Đạo" (Tiếng nói Hướng đạo Việt Nam) số 2, năm thứ nhất, ra ngày 5 tháng 8 năm 1949 đã đăng bài nhạc "Muốn Nên Người Cường Tráng" nơi trang 2.


Một trong những bài hát quen thuộc của Hướng đạo Pháp mà các Trưởng và Hướng đạo sinh Việt thường hát trong thời kỳ phong trào Hướng đạo Việt Nam còn phôi thai.


Trong các buổi chào cờ của Hướng đạo Việt Nam, sau bài Quốc ca là bài Hội ca.
(Ảnh trong bộ sưu tập của Thái Thuần)



Và bài này cũng được cất cao trong các buổi sinh hoạt của Thiếu.


Raymond Schlemmer (đứng bên trái tấm hình) chụp chung với các trưởng Guy de Larigaudie (chính giữa) và Maurice de Lansaye (bên phải) tại trại họp bạn Hướng đạo ở Franston (Autralie) tháng 12 năm 1934.


Một buổi chào cờ tại Công viên Tao Đàn (Sài Gòn) năm 2013
(Ảnh trong cuốn "Sổ tay Thiếu trưởng" của Lại Công Thiện và Phạm Văn Nhân)..


Trưởng Raymond Schlemmer và trưởng Tạ Quang Bửu tại trại trường Bạch Mã (Huế).
Ảnh chụp không ghi rõ vào năm nào và tác giả là ai?


Bài "Muốn Nên Người Cường Tráng" in trong tập “Kha sinh Mùa Xuân của Hướng đạo” của trưởng Trần Văn Lược, in năm 1969.


Bài Hội Ca đã được in trong cuốn "Trưởng Hướng đạo Việt Nam" nhân kỷ niệm 70 năm phong trào Hướng đạo Việt Nam của GXH (Gia đình Hướng đạo Xuân Hòa) 2002.


Bài "Hướng Đạo Hành Khúc" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã trở thành bài ca chính thức của Hội Hướng Đạo Việt Nam từ thập niên 50.


Trong số báo CHEF (Organe Officiel des Chefs de la Fédération Indochinoise de Scoutisme) Janvier 1938 (số 4) đã gợi ý một âm điệu có thể sáng tác dành cho Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme) .


Những người muôn năm cũ, thời oanh liệt của Tráng đoàn Lam Sơn Hà Nội của những thập niên 30 và 40. Từ trái sang phải: Lưu Hữu Phước, Lê Vĩnh Tuy, Nguyễn Kỳ, Hoàng Đạo Thúy, Trần Văn Sáu, Nguyễn Lương và Lê Bằng. Ảnh kỷ niệm chụp ngày 4 tháng 1 năm 1987 tại Hà Nội.

(Ảnh trong "Kỷ yếu HĐVN 1930-1945" của Phạm Văn Nhơn)


Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét