SEARCH

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

15. Trại trường Bạch Mã

Trại trường Bạch Mã là nơi đào tạo Trưởng Hướng đạo. Đã có rất nhiều Trưởng xuất thân từ trại trường này, trong đó nổi bật có: Trần Văn Khắc, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Điền, Võ Thành Minh, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Thúc Toản, Phan Như Ngân, Tôn Thất Dương Vân, Mai Ngọc Liệu, Huỳnh Văn Diệp, Trần Văn Đường, BS Phạm Biểu Tâm, LS Trần Văn Tuyên, BS Vũ Ngọc Hoàn, Trần Bạch Bích, Trần Văn Thao..v..v..

Đường lên Bạch Mã (Ảnh của Lam Quang)

Trại được xây dựng từ năm 1937, nằm gần đỉnh núi Bạch Mã (1250m) giữa Huế và Đà Nẵng (cách Huế khoảng 40 cây số về hướng Nam). Trưởng Raymond Schlemmer là người đã khám phá ra vùng đất này và được Vua Bảo Đại ban tặng không cho Hướng đạo, sau đó được Mên hoàng Sonoath Monivong tài trợ kinh phí xây dựng.

Cổng vào Vườn Quốc Gia Bạch Mã ngày nay.

Thiết kế bởi trưởng Raymond Schlemmer, nên trại trường Bạch Mã được xây cất dựa theo khuôn mẫu của trại trường Quốc tế Gilwell Park (Anh quốc), và trại trường Chamarande (Pháp quốc). Mục đích chính của trại trường là đào tạo huynh trưởng Hướng đạo cho Liên hội Hướng đạo Đông Dương.


Khóa Bạch Mã Tráng đầu tiên năm 1938, Raymond Schlemmer (ngồi giữa) làm trại trưởng. Trong hình nhận diện có các trưởng Hoàng Đạo Thúy (hàng đứng, thứ 3 từ trái sang phải), Ủy viên Thường trực André Consigny (hàng đứng thứ 6), kế bên là trưởng Bạch Văn Quế. Ngoài cùng bìa bên tay phải là trưởng Cung Giũ Nguyên. Hàng ngồi dưới cánh tay trái của trưởng Cung Giũ Nguyên là trưởng Tạ Quang Bửu. Cạnh trưởng Tạ Quang Bửu là trưởng Nguyễn Thúc Toản.
(Ảnh của Làng Huệ)

Trại trường Bạch Mã đi vào hoạt động liên tục từ những năm 1938 đến năm 1944. Giám đốc trại trường là trưởng Tạ Quang Bửu, quản lý là trưởng Cheftaine Chenevier. Địa chỉ của trại trường chính là tư thất của Tổng ủy viên Emmanuel Niédrist (số 1, Monseigneur d’Adran).
Bản đồ trại trường Bạch Mã do trưởng Mai Liệu phác họa.

Những năm đầu tiên trong công cuộc huấn luyện Trưởng, Raymond Schlemmer làm trại trưởng, và sau đó có trưởng Tạ Quang Bửu (từ 1940 đến 1944) phụ trách, thay cho Schlemmer về hưu.


Tấm đá khắc chữ Hội Hướng Đạo Việt Nam tại nền cũ Minh Nghĩa Đường trại trường Bạch Mã (Ảnh chụp ngày 24-2-2001 do Khối Điều hành Khóa Huấn luyện Huy hiệu Rừng ngành Tráng Tùng Nguyên III thực hiện).

Khóa huấn luyện Bằng Rừng Tráng đầu tiên được tổ chức vào mùa hè năm 1938. Trưởng Tạ Quang Bửu sau khi tham dự ở trại trường Quốc tế Gilwell đã được bổ nhiệm làm DCC (Deputy Camp Chief), và đã trao BR ngành Tráng cho các trưởng: Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội), Trần Điền (Huế), Cung Giũ Nguyên (Nha Trang), Đoàn Đức Thoàn (Thanh Hóa)…

Tấm đá lưu niệm vẫn còn ở Trại trường Bạch Mã.

Do tình hình chính trị thay đổi liên tục tại Đông Dương, trại trường Bạch Mã đã không được sử dụng. Mãi đến năm 1954, sau Hiệp định Genève, đạo Thừa Thiên đã tổ chức thăm trại trường Bạch Mã cho các huynh trưởng Hướng đạo tại đây.

Năm 1960, trưởng Tôn Thất Sam và một số Tráng sinh đã công tác dài ngày để chuẩn bị cho trại huấn luyện được mở bởi các trưởng Trần Điền và Tôn Thất Đông. Trại này dành cho các giáo sư hiệu đoàn trên toàn quốc.

Trại Huy hiệu Rừng miền Trung đợt 3, bài khóa cuối đươc tổ chức tại Trại trưởng Bạch Mã ngày 1-7-2013. Khóa trưởng ngành Tráng là Tr. Vĩnh Thịnh, ngành Thiếu là Tr. Trần Xê, và ngành Ấu là Tr. Nguyễn Thúc Tuân.
(Ảnh của Báo Sốt Sắng Nguyễn Trung Hiếu)

Và có lẽ ngày nay trại trường Bạch Mã đã bị lãng quên, điêu tàn theo năm tháng! Giờ chỉ còn là những quyến luyến, những kỷ niệm của một thời vàng son oanh liệt của một số Huynh Trưởng Hướng đạo Việt Nam.

Cho dù Vườn Quốc Gia Bạch Mã niện nay (thành lập năm 1991), nhưng chỉ là nơi du lịch và nơi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, không còn dấu vết Hướng đạo năm xưa, không còn nhìn thấy bóng dáng các Trưởng trong huấn luyện, lửa dặm đường. Cũng không còn Minh Nghĩa Đường với bức hoành treo cao với bốn đại từ “Thiên Hạ Nhất Gia” của trưởng Hoàng Đạo Thúy mà nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã từng ca ngợi hồi năm 1960: “Ý nghĩa rất hay và nét bút rất tài hoa.” (*)

Thỉnh thoảng các đơn vị Hướng đạo đến nơi đây để sinh hoạt, du ngoạn, tổ chức các khóa huấn luyện huynh trưởng, hoặc tìm lại những dấu vết năm xưa, một thời để nhớ và một thời để yêu.

Xem thêm hình ảnh của Ngựa Ô Can Trường Võ Văn Tiếng đã từng cưỡi xe đạp khắp các nẻo đường quê hương và đã dừng chân đến Bạch Mã hồi năm rồi.

..............................................

Nguồn: Các Trại Trường (Cò Yêu Đời Tôn Thất Đông), Lịch sử HĐVN (Hồi ký của Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc), Trại Trường Cội Nguồn Của Hướng Đạo (Sư Tử Đảm Đương Tôn Thất Sam), Nhớ lại Bạch Mã, thời có Trại trường Hướng đạo Liên bang (Vịt Bể Cung Giũ Nguyên), Trại trường Bạch Mã (Sói Trầm Lặng Mai Liệu).

(*) Trong bài viết Ôn Cố Tri Tân, Giữ Vững Mối Dây số 2 năm 2009, trang 10, và Chuyện về Trại trường Bạch Mã, Giữ Vững Mối Dây số 10, năm 2013, trang 23.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét