SEARCH

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

34. Trích Hồi kýcủa Tr. Hoàng Đạo Thúy

Dưới đây là hồi ký*(1) của Tr. Hoàng Đạo Thúy viết tại Hà Nội khoảng năm 1990 về phong trào Hướng đạo trong thời kỳ sơ khởi, đầu thập niên 30. Mời các bạn cùng đọc:
Hoàng Đạo Thúy trong những năm cuối của cuộc đời đã cố gắng hết sức để gây dựng lại phong trào Hướng đạo tại Việt Nam. (Ảnh: Khai Phá)


Phong trào Hướng đạo ở nước ta


Năm 1920, tôi đi làm giáo dục, tìm học nghề. Tôi gặp quyển Eclaireurs của Pháp. Phong trào này được nhiều nhà sư phạm giúp, nên sách tốt.

Sau năm 1925, khi làm việc ở Cao Bằng, tôi mới có dịp đem ra thử.

Năm 1929, đọc một số đặc san của tạp chí Les Temps Nouveux của Pháp nói về Eclaireurs rõ ràng lắm, tôi mới tóm tắt lại thành một tập nhỏ, nhan đề là “Hướng đạo sinh”, in ở nhà in Đông Tây*(2).

Khoảng năm 1930, tôi làm việc ở trường Yên Thành, Hà Nội. Ông giám đốc tên là Carré, một người cởi mở, khen lớp học của tôi giỏi. Nhân dịp, tôi nói: “Nếu ngày nghỉ, tôi có thể đem học trò ra đồng ruộng thì có thể giỏi hơn nữa”. Ông ta bảo, cứ đưa đi rồi ông ký giấy cho phép.

Dần dần anh em mua mũ, áo, quần ngắn. Em nào nghèo thì cho vay 9 hào là đủ ăn mặc gọn, đẹp, sau quen mắt đi. Người ta yêu ngay những chú bé gọn gàng, nhanh nhẹn và hay giúp việc. Còn nhớ nhất là các em: Nguyễn Đỗ Phúc, Nguyễn Văn Lộc, Phạm Văn Bền, Đức A, Đức B, Mậu, Vượng. Đoàn lấy tên là Vạn Kiếp.

Lúc bấy giờ ở phố Wiélé có một trường thể dục do các ông Trịnh Văn Hà và Nguyễn Lễ lập để anh em thanh niên tập luyện và tắm.

Vào độ có đoàn Hướng đạo thì trường thể dục tên là EDEP củ nhóm thanh niên thích môn điền kinh. Trưởng đoàn là anh Trần Văn Khắc, thư ký Sở Canh nông. Các anh chỉ làm việc cổ động thể thao, hay đi các tỉnh, nên ông Nguyễn Lễ đề nghị, cả đoàn chia ra làm hai, anh Khắc coi đoàn Lê Lợi, anh Ngô Thế Tân*(3) coi đoàn Hùng Vương.

Biết tin, đoàn Vạn Kiếp cũng đến xin nhập bọn và đồng thời xin ông Nguyễn Lễ đứng ra lập hội Hướng đạo.

Một mục nổi tiếng của đoàn Lê Lợi là mục “Múa Mọi” của anh Trịnh Trương Bình.

Thiếu đoàn Vạn Kiếp nhỏ con, thường được gọi là Sói Con, dù lúc ấy chưa có Sói.

Bà Thống sứ Tholance có yêu cầu ông Lễ cho anh em Hướng đạo giúp bà tổ chức một cuộc vui. Tổ chức được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đó anh em Hướng đạo được vững dạ vì đi đâu bà ta cũng đề cao Hướng đạo.

Anh Khắc xin đổi vào Sài Gòn. Anh thích hoạt động hơn là lý thuyết.

Ở Hà Nội, anh em thành lập thêm nhiều đoàn .

Và phong trào ngày thêm mở rộng.

Hà Nội – 1990

Hoàng Đạo Thúy

………………………….

*(1) Hồi ký này đã được đăng trong báo Liên Lạc số 23, phát hành tháng 6 năm 1997 nơi trang 8.

*(2) Đúng tựa sách là “Đoàn Hướng Đạo, thêm một bài thể thao rễ tập”, Hoàng Đạo Thúy lấy tên hiệu là Ba Tô, dịch và viết theo một số báo Animateur des Temps Nouveaux, những sách vở của Général Baden Powell và Capitaine Royet. Sách này được in và bán ở nhà in Đông Tây 193 phố Hàng Bông Hanoi năm 1930. Hiện nay Tr. Huu Tran đang sở hữu một bản copy mua từ bên Pháp.

*(3) Trưởng Ngô Thế Tân tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm khoảng năm 1938-1939, là chồng của chị Lê Thị Lựu, Bầy trưởng bầy Trứng Rồng đầu tiên của Hướng đạo Đông Dương. Chị đã từng làm giám đốc trường Cao đẳng Mỹ Thuật Biên Hòa và đã từng nổi danh với tác phẩm Bi-Pi khổng lồ đan bằng ngũ cốc trước cửa trại Họp bạn Huynh Đệ tại Sài Gòn năm 1935.

Cả hai trưởng Ngô Thế Tân và Lê Thị Lựu sau đó đã sang Pháp lập nghiệp (1939) và một thời gian sau thì lìa đời tại đây.
------------------------
Trưởng Ngô Thế Tân (người đứng thứ 3 từ trái sang phải), một thời cầm đoàn Hùng Vương. Phu quân của Tr. Lê Thị Lựu, bầy trưởng Bầy Trứng Rồng Hà Nội.
(Ảnh: Gia phả họ Ngô-Đáp Cầu-Bắc Ninh)
Trong Gia Phả Họ Ngô-Đáp Cầu-Bắc Ninh có ghi lại tên tuổi của Tr. Ngô Thế Tân và Lê Thị Lựu.

Bầy trưởng Bầy Trứng Rồng Lê Thị Lựu chụp chung ảnh với đoàn Hướng đạo Bắc kỳ tại trại Họp bạn Huynh Đệ được tổ chức tại sân đá banh Mayer Saigon năm 1935.
(Ảnh: Kỷ yếu Xuân Hòa 40)
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét