Nói đến trưởng Raymond Schlemmer mà không nói đến trưởng Sơn Dương / Dê Sa Mạc Emmanuel Niédrist (1923-1945) là một thiếu sót!
Bởi vì anh là một huynh trưởng Hướng đạo gương mẫu, đáng kính, trẻ tuổi và tài cao. Anh là một trưởng có công lớn trong công cuộc huấn luyện huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trong những năm đầu sơ khai.
Tr Emmanuel Niédrist trong khóa huấn luyện Trưởng đầu tiên tại Đà Lạt năm 1936.
Hình: Bộ sưu tập của Tr Thai Thuan. — cùng vớiLouis Tran.
Tên rừng của anh là Isard (Sơn Dương, Dê Sa Mạc). Tại trại trường Bạch Mã (Huế) tên của anh được đặt tên cho một cây cầu để tỏ lòng yêu mến và kính trọng anh.
Emmanuel Niédrist từng là Tổng ủy viên Hướng đạo Trung kỳ (cùng với Trưởng Tạ Quang Bửu, mỗi Hội có 2 Tổng ủy viên, một người Pháp và một người bản xứ), người có trách nhiệm lớn trong công việc tổ chức thành công trại Họp bạn Thần Kinh và Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc ở Huế vào năm 1942.
Dưới đây là một đoạn mà trưởng Hải Ly Gan Dạ Phan Như Ngân (1) đã ghi lại trong một bài mang tên “Một huynh trưởng gương mẫu Isard E. Niédrist” đã được đăng trong tờ Bạch Mã số 30, tháng 9 năm 1999.
“Anh với tôi xa cách nhau một trời một vực về mọi mặt. Anh là công dân Pháp thuộc giới cai trị, tôi là người Việt thuộc giới bị trị. Anh là một nhà trí thức, tôi thì học lực không quá Trung học. Anh là giám đốc nhà máy điện, một cơ sở lớn vào bậc nhất ở Huế, tôi là tiểu công chức. Lương tháng của anh trên một ngàn, lương tháng của tôi không đầy ba mươi đồng. Anh ở một ngôi biệt thự sang trọng trong khu dành cho người Pháp, tôi ở trong một căn nhà tranh trong Thành Nội. Anh cao lớn vạm vỡ, đẹp trai, tôi thì thấp bé. Chúng tôi chỉ có một điều giống nhau: chúng tôi đều là Hướng đạo, và do đó chúng tôi trở thành anh em ruột thịt trong một gia đình, và mọi xa cách, mọi khác biệt đều bị xóa bỏ.”
Không chỉ có Trưởng Phan Như Ngân, mà cả Trưởng Cung Giũ Nguyên (2) cũng khen ngợi:
“Mọi công việc đều do anh Niédrist lo liệu sắp đặt cả (3). Như tôi nhận xét, thì ảnh hưởng của anh Niédrist đã rất sâu rộng và tất cả anh em Hướng đạo Trung Việt đều được nhờ ảnh hưởng tốt lành tốt lành của anh. Chắc anh vẫn còn nhớ những cử chỉ thân mật, đượm một tình huynh đệ thắm thiết, nhất là giọng nói ấm áp và thâm trầm của anh Isard. Nhưng khi tôi muốn viết mấy hàng kể lại công nghiệp của anh Isard đối với Hướng đạo Trung Việt nói riêng và đối với Hướng đạo toàn quốc nói chung thì tôi không diễn tả được rành mạch, nhất là không diễn tả được lòng quý mến của tôi đối với anh ấy, tuy không bao giờ quên được nét mặt và những cử chỉ chân thành và thân ái của anh ấy.” (4)
Thế mới thấy tình huynh đệ Hướng đạo, Emmanuel Niédrist đã mở rộng cánh tay của mình với những người anh em không cùng chung nòi giống, chỉ có phong trào Hướng đạo mới đem lại được như thế.
Emmanuel Niédrist sống độc thân, ngoài công việc ở Sở, anh có thú đọc sách và dành nhiều thời gian của mình cho phong trào Hướng đạo.
Niédtist bị tử thương trong một cuộc xung đột giữa quân đội Nhật đang bành trướng chiếm đóng Đông Dương lật đỗ thực dân Pháp (5), và sau đó anh từ trần lại Cao Mên năm 1945.
………………………………………………………………
(1) Trưởng Phan Như Ngân từng là Tổng ủy viên Hướng đạo Trung kỳ (1945), Tổng ủy viên Hội đồng Trung ương HĐVN từ 1958-1960. Châu trưởng Châu Trường Sơn hạ, Quản đốc Trại trường Tùng Nguyên, Đạo trưởng Đạo Lâm Viên (1964). Sinh năm 1912, lìa rừng năm 1995 tại San Diego, California.
(2) Trưởng Cung Giũ Nguyên (Xem tiêu điểm số 14)
(3) Họp bạn Thần Kinh và Đại hội đồng Huynh Trưởng ở Di Luân.
(4) Thư gởi Trưởng Phan Như Ngân, viết từ Nha Trang ngày 8 tháng 8 năm 1995 của Tr. Cung Giũ Nguyên đăng trên Bạch Mã số 14b (tháng 9, 1996)
(5) G. Bois, Histoire des Missions, sđd, tt.87-90.
Chân dung Tr Vịt Bể Cung Giũ Nguyên.
Hội nghị Huynh Trưởng Hướng đạo Trung kỳ Di Luân Đường, Quốc Tử Giám (Huế, 1942).
Chân dung Tr Hải Ly Gan Dạ Phan Như Ngân.
Chân dung Tr Vịt Bể Cung Giũ Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét