Cuối năm 1947, một số huynh trưởng Hướng đạo miền Bắc thành lập Ban liên lạc Hướng đạo do Trưởng Trần Văn Thao đứng đầu.
Căn nhà số 86 Hàng Trống ở Hà Nội trước đây là trụ sở của Hội Hướng đạo Việt Nam trong thời chiến đã được Bộ Kinh tế sử dụng làm kho chứa thóc, nay được trả lại.
Hội quán 86 Hàng Trống (Hà Nội)
Ảnh: Langhue.org
Trụ sở này còn gọi là Hội quán, một phần bên trong là là rạp chiếu bóng Lửa Hồng, phần còn lại là nơi họp, hội nghị của các Trưởng lãnh đạo phong trào.
Ban liên lạc Hướng đạo chụp hình lưu niệm trước Hội quán 86 Hàng Trống Hà Nội có các Trưởng: Trần Văn Thao đại diện Hướng đạo tại Hải Phòng (số 1), Nguyễn Văn Tư đại diện Hướng đạo tại Hà Nội (số 2), Lê Bằng châu trưởng Châu Thăng Long Hà Nội (số 3)…
Theo đồ án xây dựng của Trưởng Hổ Cáu Trần Văn Thao thì rạp Lửa Hồng được sự góp ý của 2 Trưởng Huỳnh Văn Nhu và Trần Văn Bốt, nên khi đưa qua Bộ Thanh Niên là được ông Nguyễn Đức Chiểu duyệt và chấp thuận ngay!
Trưởng Hổ Cáu Trần Văn Thao (đã lìa rừng năm 2008, thọ 102 tuổi), từng xây dựng các đơn vị Hướng đạo Công giáo cho Giáo xứ Hải Phòng và là cột trụ của phong trào Hướng đạo Việt Nam tại đây.
Đoàn Trần Lục là đơn vị đầu tiên tại trường Dòng Thánh Giuse (Hải Phòng) vào khoảng giữa tháng 7 năm 1931.
Trưởng Hổ Cáu (còn có tên rừng khác thường gọi là Cọp Yên Tử) cũng là người có công tái phục hoạt phong trào Hướng đạo tại miền Bắc (khoảng năm 1949) và lấy lại Hội quán 86 Hàng Trống sau chiến tranh, vận động tổ chức rạp Lửa Hồng để gây quỹ cho Hội.
(Ảnh: Liên Lạc)
Chi phí tu bổ để sửa sang, xây dựng lên tới 115 ngàn đồng lúc bấy giờ, nhưng đến hôm khai trương thì được ông Thủ Hiến Nguyễn Hữu Chí tặng cho 100 ngàn, phần còn lại vay của Trưởng Trần Văn Bích ở Hải Phòng là 15 ngàn. Nghe nói còn nợ nần như vậy, ông Thủ Hiến ký ngân phiếu tặng thêm 15 ngàn, thế là Hội quán không thiếu nợ ai cả!
Đầu tiên rạp chiếu bóng Lửa Hồng do Trưởng Trần Văn Lịch (em Tr. Thao, một tráng sinh của Tráng đoàn Trần Lục) đứng ra phụ trách toàn bộ công việc. Anh Nguyễn Văn Thanh thì phụ trách phần kỹ thuật chiếu sau khi tập sự ở rạp Majestic.
Rạp Lửa Hồng ra đời, mang lại nguồn sinh khí mới cho giới trẻ ở Hà Nội, Hội quán lại có cơ sở để gây quỹ và phương tiện giúp công việc hồi sinh của phong trào được dễ dàng hơn.
Cả hai Hội quán và rạp chiếu bóng Lửa Hồng tồn tại cho đến năm 1954, rồi sau đó dời về Huế. Với số vốn sẵn có, rạp chiếu bóng Lửa Hồng II được xây dựng dưới sự vận động của Cò Yêu Đời Tôn Thất Đông.
Hội quán HĐVN 86 Hàng Trống Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm) bây giờ chỉ là địa điểm ăn uống, bánh tráng trộn Cô Toàn đang hút giới trẻ Hà Nội hơn là những buổi chiếu phim cách đây hơn 60 năm về trước!. Trên đường phố này ngày xưa còn có Hội khai trí Tiến Đức (sau này trở thành Câu lạc bộ Thống Nhất và tòa soạn báo Nhân Dân).
Nguồn: Kỷ Yếu Xuân Hòa 40, Đặc san Khai Phá 10th Anniversary.
Hội quán HĐVN tại Huế (rạp Lửa Hồng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét