Nhìn lại lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam 85 năm về trước, kể từ trại họp bạn hướng đạo thế giới đầu tiên được tổ chức ở Olympia (Anh quốc) vào năm 1920 thì mãi đến năm 1947 nhân kỳ họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 6 tại Moisson (Pháp quốc) thế giới mới nhìn thấy được hướng đạo sinh người Việt nhưng dưới danh nghĩa của French-Indochina. Đó là những người Việt Nam đại diện của Hướng đạo Bắc kỳ là Trần Văn Thao và Tôn Thất Thiện đại diện cho Hướng đạo Trung kỳ. Cả hai thuộc phái đoàn Hướng đạo Đông Dương.
Phái đoàn tham dự trại họp bạn gồm có 1 đội Thiếu SDF do trưởng Marc cầm đầu, 1 đội Thiếu EDF do trưởng Agné cầm đầu, 2 đội (1 Thiếu, 1 Tráng) do trưởng Trần Thắng Cang dìu dắt, và một đội Thiếu-Tráng hỗn hợp của Cao Mên do trưởng Tổng ủy viên Tep-Im dẫn đầu. Trưởng phái đoàn là trưởng Griffon, một giáo sư Pháp văn ở Cao Mên. Tổng số tham dự trại là 47 người (1)
Thẻ nhập trại của Tr. Trần Văn Thao tại trại Họp bạn HĐTG lần thứ 6 tại Pháp (1947) với tư cách đại diện cho Hướng đạo Bắc kỳ.
Đến năm 1951 tại trại họp bạn thế giới lần thứ 7 tại Áo quốc, thế giới mới thấy lại bóng dáng của một vài hướng đạo sinh Đông Dương người Việt như Võ Thanh Minh, Tạ Trung Quốc, và hai du học sinh là Phạm Bá Thưởng và Nguyễn Thiện Tích. Sự kiện đáng ghi nhớ là trong lần tham dự này, trưởng Võ Thanh Minh được tiếp kiến với Bà Olave Baden-Powell, phu nhân của vị sáng lập ra phong trào Hướng đạo Thế giới (2)
Tr. Võ Thanh Minh (bên trái tấm hình) được tiếp kiến Bà Olave Baden-Powell, phu nhân của Huân tước Robert Baden-Powell, vị sáng lập ra phong trào Hướng đạo Thế giới nhân trại Họp bạn HĐTG tại Áo quốc năm 1951.
Tr. Tôn Thất Thiện, người đã đại diện cho Hướng đạo Trung kỳ tham dự trại Họp bạn HĐTG lần thứ 6 tại Pháp năm 1947.
Cũng phải mất một khoảng thời gian khá dài, hướng đạo sinh Việt Nam mới chính thức đại diện cho Việt Nam tham dự trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới. Đây là kỳ trại họp bạn thế giới lần thứ 10 tại Makiling (Phi Luật Tân) vào năm 1959 sau khi Hội Hướng đạo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement (WOSM) vào năm 1957.
Phái đoàn Hướng đạo Việt Nam tham dự trại rất đông đão gồm có 8 Trưởng và 49 thiếu sinh do Tr. Huỳnh Văn Nhu làm trưởng đoàn. Hãng Hàng Không Việt Nam đã vận chuyển miễn phí khứ hồi với sự đài thọ của chính phủ VNCH đương thời (3)
Trong suốt bốn năm biến động ở miền Nam về chế độ chính trị, phong trào Hướng đạo Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn. Năm 1963, Hội Hướng đạo Việt Nam đã không có mặt tại trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 11 tại Marathon (Hy Lạp), nhưng trại họp bạn vẫn giương cao lá cờ Việt Nam tung bay phất phới với 87 quốc gia bạn!
Cờ VNCH tung bay tại trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11 tại Hy Lạp năm 1963.
Tình hình chính trị trong nước vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đối với phong trào, bóng dáng Hướng đạo Việt Nam được trở lại trong kỳ trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 12 được tổ chức ở Idaho (Hoa Kỳ). Nhưng lần này thì phái đoàn Việt Nam vỏn vẹn chỉ có vài người, trong đó có Tr. Trương Trọng Trác (4)
Trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11 tại tiểu bang Idaho (Hoa Kỳ) năm 1967.
Cờ VNCH tung bay tại một cổng trại trong trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11 ở Idaho, Hoa Kỳ (1967)
Một đại diện Hướng đạo Việt Nam trong cuốn Kỷ yếu của trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11 (Idaho, Hoa Kỳ, 1967).
Các trại sinh Việt Nam đang dựng cổng của mình tại trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11
(Idaho, Hoa Kỳ, 1967).
Hướng đạo Việt Nam có trong danh sách của trại Họp bạn HĐTG lần thứ 11.
Năm 1971, Hội Hướng đạo Việt Nam cử một phái đoàn gồm có 3 trưởng và 8 thiếu sinh tham dự trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 13 tại Asagiri Heights (Shizouka, Nhật Bản) với hơn 24 ngàn hướng đạo sinh của hơn 87 quốc gia tham dự. Trưởng Lương Mậu Dũng là đoàn trưởng. Và đây cũng là lần cuối cùng, thế giới không còn nhìn thấy bóng dáng hướng đạo sinh Việt Nam nữa kể từ sau năm 1975! (5)
Huy hiệu trại Họp bạn Hướng đạo Thế giưới lần thứ 13 tại Asagiri (Nhật Bản) năm 1971.
Cờ VNCH diễn hành chung với các đơn vị bạn trong buổi lửa trại của trại Họp bạn HĐTG lần thứ 13.
Các bạn có thấy cờ VNCH ở đằng sau không? (Trại Họp bạn HĐTG tại Nhật năm 1971).
Phái đoàn Hướng đạo Việt Nam (trong đó có một số du học sinh Việt Nam tại Nhật) do Tr. Lương Mậu Dũng làm trưởng đoàn tại trại Họp bạn HĐTG lần thứ 13 tại Nhật Bản năm 1971.
(Ảnh Giữ Vững Mối Dây)
Huy hiệu kim khí của phái đoàn Hướng đạo Việt Nam tại trại Họp bạn HĐTG lần thứ 13.
(Ảnh: Trích trong bộ sưu tập của Tr. Yukinori Suzuki)
Tr. NGuyễn Đình Thư (Ủy viên Quốc tế vụ của Hội Hướng đạo Việt Nam) tại Nhật Bản trong lần tham dự Hội nghị Trưởng tại Nhật Bản (1971)
Các trưởng trong Hội Hướng đạo Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế (XXIII World Conference) nhóm họp tại Tokyo (Nhật Bản) nhân dịp trại Họp bạn HĐTG lần thứ 13 tổ chức tại Asagiri Heights.
Từ trái sang phải có các trưởng: Phan Mạnh Lương, LM Đinh Quang Điện, Nghiêm Văn Thạch, Đinh Xuân Phức và Nguyễn Đình Thư.
(Ảnh: Xuân Hòa 40)
Tuy Hội Hướng đạo Việt Nam không còn là thành viên chính thức của Tổ chức phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement (WOSM) nữa, nhưng một vài trại họp bạn thế giới xảy ra sau này, thỉnh thoảng lại có bóng dáng người Việt Nam mặc đồng phục hướng đạo (dù là đồng phục của các quốc gia sở tại) trong các trại họp bạn lần thứ 16 ở Úc (1987), lần thứ 17 ở Hàn Quốc (1991), lần thứ 18 ở Hòa Lan (1995), lần thứ 20 ở Thái Lan (2003), và đặc biệt là lần thứ 23 tại Nhật Bản(2015) vừa qua đã công nhận sự hiện hữu của Hướng đạo Việt Nam tại một quốc gia chưa được thừa nhận là thành viên chính thức của WOSM, nhưng cũng là một khích lệ và tự hào, phong trào Hướng đạo Việt Nam vẫn phát triển và trường tồn, vẫn là một ngọn lửa bất diệt cháy sáng mãi trong tim của những thế hệ còn yêu mến phong trào và tinh thần Hướng đạo vẫn sống mãi!
………………….
(1) Theo hồi ký của trưởng Trần Văn Thao đăng trong Liên Lạc số 17 (1996), và tư liệu “Remembering Scouting 1951-1957 của Ooi Boon Teck, 1st KL Scout Group (Malaysia).
(2) Theo bài viết của trưởng Lương Mậu Dũng đăng trong Giữ Vững Mối Dây số 10 (2013), trang 307.
(3) Theo bài viết của Tr. Phạm Văn Nhân đăng trong đặc san Giữ Vững Mối Dây số 6 (2011) với tựa là “Nửa thế kỷ trước HĐVN đem chuông đi đánh ở núi Makiling” từ trang 183 đến 190 có ghi, các trưởng tham dự có: Huỳnh Văn Nhu (Trưởng đoàn), Lê Mộng Ngọ (Phó trưởng đoàn), Nghiêm Văn Thạch (Phó trưởng đoàn), Phan Kim Phụng (Đoàn trưởng), Phan Mạnh Lương (Đoàn phó, thông dịch), Âu Nhật Chương (Đoàn phó, y tế), Đỗ Văn Ninh (Đoàn phó, phiên dịch), LM Nguyễn Văn Thích (lo về tinh thần) và danh sách 49 thiếu sinh khác trong đoàn.
(4) Theo Giữ Vững Mối Dây số 10 (2013), trang 310.
(5) Theo Giữ Vững Mối Dây số 7 (2011) bài của trưởng Lương Mậu Dũng đăng nơi trang 160.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét