SEARCH

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

25. Ai là người Việt Nam đầu tiên có tên Rừng?

Nhiều người nghĩ rằng các Trưởng tiền bối như Hoàng Đạo Thúy hoặc Trần Văn Khắc? Bởi vì các Trưởng ấy là những trưởng sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam, là những người đầu tiên đã du nhập phong trào Hướng đạo. Và tất nhiên, họ là những người có tên Rừng đầu tiên?
Trưởng Trần Văn Khắc mang tên rừng là Sếu Vườn (Đồng Nai), sau gọi là Sếu Siêng Năng.

Trưởng Sơn Ca Phiêu Lưu Nguyễn Quang Minh trong một lá thư tiêu đề: Các nhân vật tạo cảm hứng cho tên Rừng HDVN (đề ngày 11-9-2011) gởi cho Tr. Lạc Đà Từ Tốn Nguyễn Tấn Định có giả thuyết rằng, kể từ sau khi thụ huấn ở trại trường Gilwell (Anh quốc), Tr. Tạ Quang Bửu (tên Rừng là Chồn / Fennec) đã mang tên Rừng của mình về Việt Nam (Trại trường Bạch Mã) thì mới phát sinh ra lễ Đặt Tên Rừng cho các Trưởng đi học khóa Bạch Mã?
Trưởng Hoàng Đạo Thúy mang tên rừng là Hổ Sứt, sau còn gọi là Hổ Mài Nanh.
Ngược dòng lịch sử một chút thì Tr. Tạ Quang Bửu đi Gilwell khoảng tháng 6 năm 1939 (nguồn: báo Ngày Nay số 162, 20 tháng Năm 1939), Trại trường Bạch Mã bắt đầu xây dựng vào năm 1937 và bước vào huấn luyện từ năm 1938 bởi Trại trưởng Raymond Schlemmer. Nhưng tên Rừng của các trưởng Việt Nam đã có sử dụng trước đó từ nhiều năm.

Căn cứ vào các tờ LE CHEF (Organe Officiel des Chefs de la Federation Indochinoise de Scoutisme) dành cho các Huynh trưởng Hướng đạo ở Đông Dương từ năm 1937 thì những bài viết đều có sử dụng tên Rừng như: Tigre Édenté (Hổ Sứt Hoàng Đạo Thúy), Marabout (Sếu Vườn Trần Văn Khắc), đó là chưa kể các Trưởng của Éclaireur de France (Scouts de France) như Raymond Schlemmer (Nga Nam Tào / Cysne de la Croix du Sud), Emmanuel Niédrist (Dê Sa Mạc / Isard), Raoul Serène (Sếu Sắc Sảo / Le Héron)..v.v.. cũng thường hay dùng tên Rừng.

Mãi đến tháng 8 năm 1938 thì Tr. Tạ Quang Bửu có viết bài đầu tiên với tên Rừng là Fennec (Chồn) dưới nhan đề Un homage au chef Scout (Chef, trang 3 và 4, số 11, Août 1938), và Tr. Cung Giũ Nguyên với tên rừng là Pingouin (Chef, trang 1, 2 và 5,6, số 13, Decembre 1938).

Cũng nên nhắc lại, trong kỳ Trại huấn luyện Trưởng đầu tiên vào năm 1936 của Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương tại Đà Lạt, các Trưởng Pháp, Việt, Lào và Cao Mên đều xưng hô với nhau bằng tên Rừng (Xem cuốn Kỷ yếu Hướng đạo Việt Nam 1930-1945 của Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, nhà xb Văn Nghệ, 2009).

Như vậy có thể là hai trưởng tiên phong của phong trào là Tr. Trần Văn Khắc và Tr. Hoàng Đạo Thúy là những người Việt Nam tham gia phong trào Hướng đạo là có tên Rừng đầu tiên, nhưng không biết ai trước ai sau? Riêng Tr. Hoàng Đạo Thúy, tác giả của Hướng Đạo Đoàn và Đội Của Tôi thì đều ký với bút hiệu Ba Tô xuất bản trước năm 1936, kể cả cuốn Hướng Đạo Sinh xuất bản năm 1929 tại nhà in Đông Tây ở phố Hàng Bông, Hà Nội.

Ngày nay, tập tục mang tên Rừng trong truyền thống Hướng đạo Việt Nam vẫn còn được gìn giữ, và xem đây là một tập tục tốt, một trò chơi có tính chất giáo dục cao. Hầu hết các quốc gia có phong trào Hướng đạo gần như đã bỏ tập tục này. Nhưng dù sao đi nữa, tên rừng trong phong trào Hướng đạo Việt Nam vẫn là một đặc trưng mà nhiều đơn vị vẫn thích thú phát triển Rừng của đơn vị mình, nhiều dân Rừng có thêm những cái tên mới rất đa dạng và phong phú!

.....................................................

Nguồn: Le Chef các số ra năm 1937 đến 1941 (tư liệu của Gấu Đa Thiện Nguyễn Thái Hùng), Kỷ yếu Hướng đạo Việt Nam 1930-1945 (Phạm Văn Nhơn), Hoàng Đạo Thúy 1900-1994 (http://www.hanoivanhien.com/…/hoang-dao-thuy-1900-1994-news…), Hồi ký Lịch sử Hướng đạo Việt Nam (Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc).
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét