SEARCH

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

50. Hội nghị các Đoàn trưởng Hướng đạo Bắc kỳ 1934

Sau năm 1930, nhiều đơn vị hướng đạo được thành lập tại Hà Nội và các nơi khác ở miền Bắc.
Tuy dưới sự cai trị trực tiếp của người Pháp, phong trào Hướng đạo Việt Nam vẫn phát triển và luôn hướng về Tổ quốc, dân tộc.

Ngày 25 tháng 3 năm 1934, một hội nghị huynh trưởng Hướng đạo ở Bắc kỳ đã nhóm họp tại Hội quán Trí Tri Hà Nội.



Đến tham dự có ông Kỹ sư Nguyễn Lễ, nguyên Hiệu trưởng trường EDEP (École d’Education Physique), người đã từng chấp thuận đề nghị của Tr. Trần Văn Khắc để thành lập ngay tại trường một nhóm Hướng đạo đầu tiên lấy tên là Ban Đồng Quân và Cổ động Thể thao (Section de Boy Scouts et de Propagande pour les Sports)[1].

Bên cạnh đó còn có Tr. Hoàng Đạo Thúy, Đoàn trưởng Đoàn Vạn Kiếp (thành lập tháng 10 năm 1930, sau đoàn Lê Lợi của Tr. Trần Văn Khắc một tháng). Trưởng Hoàng Đạo Thúy chính là tác giả của một số sách, bài báo chuyên đề về Hướng đạo dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của các tạp chí Temp Nouveaux[2].

Ngoài ông Nguyễn Lễ, Hoàng Đạo Thúy còn có Ngô Thế Tân, Trần Duy Hưng, Võ An Ninh, Phạm Văn Nam, Ngô Khả Tế…

Trưởng Ngô Thế Tân khi tham dự hội nghị với tư cách là đoàn trưởng Thủy đoàn Bạch Đằng. Do nhân số gia tăng, Đoàn Vạn Kiếp sau này đã phải tách ra làm hai. Tr. Hoàng Đạo Thúy đã giao cho Tr. Ngô Thế Tân phụ trách Tráng đoàn Bố Vệ (tức Lam Sơn 2). Từng là Thiếu trưởng Thiếu đoàn Hùng Vương, phu quân của Bầy trưởng Bầy Trứng Rồng Lê Thị Lựu[3].

Trưởng Trần Duy Hưng là đoàn trưởng Đoàn Hùng Vương, về sau này trở thành bác sĩ và tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành thị trưởng của thành phố Hà Nội từ năm 1945.

Trưởng Võ An Ninh, Phó đoàn trưởng Lê Lợi. Sau này ông trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam, sở hữu của nhiều bộ ảnh có giá trị lịch sử, trong đó có bộ ảnh ghi lại nạn đói năm 1945. Ông mất tại Sài Gòn năm 2009, thọ 103 tuổi.

Trưởng Phạm Văn Nam (tên Rừng là Ngựa Dò Từng Bước), Đoàn trưởng Đoàn Trần Lãm ở Thái Bình (thành lập năm 1932), sau làm Ủy viên Đạo trưởng Thái Bình, Châu trưởng Sơn Nam. Chính Phạm Văn Nam là chủ nhân của tấm hình này, từng được đăng trang bìa Sóng Bạch Đằng của Tráng đoàn Bạch Đằng, Đạo Hoa Lư Sài Gòn trước năm 1975[4].

Trưởng Vương Khả Tế, Đòan trưởng Đoàn Ngô Quyền (Hà Nội). Nổi tiếng với kịch bản “Thủy Trung Nghĩa Thạch” được trình diễn lần đầu tiên ở Hà Nội rồi sau đó khắp miền Bắc nhằm mục đích gây quỹ cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Đây là vở kịch được in thành sách, có 3 hồi 3 cảnh mô tả về đời Hướng đạo[5].

Đó là những Trưởng nổi bật tham dự Hội nghị trong số các Trưởng đại diện từ Hà Nội và một số nơi khác trên đất Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… nơi mà trong hơn 3 năm qua kể từ năm 1930, nhiều đơn vị Hướng đạo Việt Nam đã được thành lập.


Hội nghị các Đoàn trưởng Hướng đạo Bắc kỳ

tại Hội quán Trí Tri (Hà Nội) ngày 25 tháng 3 năm 1934

1.Ông Nguyễn Văn Nghi, Phó thủ quỹ Hội Hướng đạo Bắc kỳ

2.Ông Đào Bá Kỳ, Thư ký Hội

3.Kỹ sư Nguyễn Lễ, Hội trưởng Hướng đạo Bắc kỳ.

4.Sói con Đức

5.Ông Louis Hoạt, Trưởng ban Hướng đạo Hải Phòng

6.Ông Nguyễn Văn Thu, Đoàn trưởng Lý Công Uẩn (Bắc Ninh)

7.Ông Nguyễn Đăng Hinh, giáo sư âm nhạc Hà Nội

8.Ông Phạm Long, Phó đoàn trưởng Hùng Vương

9.Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Quyền đoàn trưởng Lê Lợi Lợi (sau khi Tr. Trần Văn Khắc thuyên chuyển công tác vào Nam năm 1932)

10.Ông Võ An Ninh, Phó đoàn trưởng Lê Lợi

11.Ông Phạm Văn Nam, Đoàn trưởng Trần Lãm (Thái Bình)

12.Bác sĩ Trần Văn Lai, Phó hội trưởng Hà Nội

13.Ông Lê Vĩnh Tuy, Đoàn trưởng Lãng Bạc

14.Ông Vương Khả Tế, Đoàn trưởng Ngô Quyền

15.Ông Nguyễn Văn Đức, Phó đoàn trưởng Hoàn Kiếm

16.Ông Đỗ Xuân Thọ, Đoàn trưởng Hoàn Kiếm

17.Ông Ngô Thế Tân, Đoàn trưởng Thủy đoàn Bạch Đằng

18.Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó đoàn trưởng Hùng Vương

19.Ông Hoàng Đạo Thúy, Đoàn trưởng Vạn Kiếp

20.Ông Trần Duy Hưng, Đoàn trưởng Hùng Vương

21.Ông Phạm Xung, Đoàn trưởng Hồng Bàng

……………………

[1] Lê Ngọc Bưu “Những Dấu Ấn 85 Năm Hướng Đạo Việt Nam 1930-2015”, tác giả tự xuất bản, 2015, trang 88.

Cũng trong cuốn “Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945” của Phạm Văn Nhơn cũng có ghi rõ danh sách Đồng Tử Ban gồm có ông Nguyễn Lễ làm Chánh ban, thư ký có ông Tạ Văn Rục, phó ban có Bác sĩ Trần Đức Lai, thủ quỹ có ông Trịnh Trương Bình, và điều hành có ông Trần Văn Khắc.

[2] [5] “Kỷ yếu Hướng đạo Việt Nam 1930-1945”, Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2009, trang 348 [2], trang 132 [5].

[3] Sau này Tr. Ngô Thế Tân làm ở Viện Nông Nghiệp Sài Gòn (Institut Agronominique Sai Gon) và cả hai sau đó sang Pháp sinh sống từ năm 1940.

[4] Tấm ảnh mà bạn đang nhìn thấy là do Trưởng Thái Thuần chụp lại từ bản gốc của Tr. Phạm Văn Nam hiện đang được gìn giữ bởi gia đình của Tr. Trần Trung Ru ở Sài Gòn.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét