SEARCH

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

45. Trưởng Phan Bá Lân và tờ báo HƯỚNG ĐẠO đầu tiên ở Việt Nam

Trong những năm đầu sơ khai của phong trào Hướng đạo Việt Nam, ở miền Nam (lúc đó còn là thuộc địa của Pháp, thường gọi là Nam Kỳ) có một huynh trưởng Hướng đạo đã có nhiều cống hiến cho phong trào, nhất là việc in ấn và phổ biến tờ nguyệt san “Hướng Đạo”[1] đầu tiên được viết bằng Quốc ngữ, đó là Trưởng Phan Bá Lân (1906-1976).


Trưởng Phan Bá Lân là Ủy viên Hạt trưởng Hướng đạo Sài Gòn, Ủy viên Tỉnh thuộc Tổng cuộc Hướng đạo Nam Kỳ, quản lý nguyệt báo “Thẳng Tiến” và cũng chính là Hiệu trưởng một trường tư thục nổi tiếng ở Sài Gòn mang tên Chấn Thanh[3], người đời thường gọi là ông “Đốc Lân”và trong giới Hướng đạo gọi anh là “Đại Giác Linh”.

Không những anh Lân tham gia phong trào Hướng đạo ở Nam Kỳ mà chị Lân cũng là một Bầy trưởng của một Bầy Chim Non đầu tiên ở Sài Gòn[4].

Anh Phan Bá Lân là người Quảng Nam, sinh năm 1903 tại Bảo An, con trai trưởng của ông Phan Thành Tài [2] và bà Bùi Thị Hậu (mất tại Gia Định năm 1967). Anh tốt nghiệp Thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1927, được bổ làm giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ), vài năm sau anh về Sài Gòn dạy ở trường trung học tư thục Huỳnh Khương Ninh (Đa Kao), rồi sau đó tự mở trường vừa làm hiệu trưởng vừa làm giáo sư trường trung học tư thục Chấn Thanh Sài Gòn (Directeur de l’Institution Chan Thanh Saigon) từ 1931 đến 1940, và Chấn Thanh (Đà Nẵng) từ 1940 đến 1944. Thành viên ban sáng lập Hội Nam Kỳ Thế Giới Ngữ [5], Hội trưởng sáng lập viên Hội Trung Kỳ Ái hữu.

Kể từ khi thôi không làm báo “Hướng Đạo”, Phan Bá Lân dần dần “treo khăn” và sau đó quyết định dời trường Chấn Thanh từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, rồi từ đó không ai còn thấy anh sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo nữa!
…………………………………
[1] Tờ “Hướng Đạo” nguyệt báo, cơ quan chính thức của Tổng cuộc Hướng đạo Nam Kỳ. Khi Toàn quyền Đông Dương đã công nhận sự lợi ích của “Hướng đạo đoàn” thì ông Hội trưởng Trần Văn Khá lúc bấy giờ đứng tên xin thành lập một tờ báo Hướng đạo và được chấp nhận ngay. Tờ báo ra được 2 năm, đến tháng 11 năm 1936 ra số 23&24 là số báo cuối cùng, sau đó sát nhập với báo “Thẳng Tiến” ở miền Bắc và trở thành “Hướng Đạo Thẳng Tiến” do quyết định của Hội nghị Hướng đạo Đông Dương và giấy phép xuất bản của Chính phủ bảo hộ Pháp ký hồi tháng 1 năm 1937, tờ “Hướng Đạo Thẳng Tiến” này là tờ báo chung cho cả 5 xứ bằng tiếng Quốc ngữ chính thức ra đời vào tháng 3 năm 1937.

[2] Phan Thành Tài (1878-1916) là một nhà chí sĩ yêu nước trong phong trào Duy Tân, sau cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị Chính quyền đô hộ Pháp xử chết tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) ngày 9 tháng 6 năm 1916.
Chi tiết về c hí sĩ Phan Thành Tài có thể đọc thêm ở đây:
[3] Trường Chấn Thanh tọa lạc tại vùng Cầu Ông Lãnh, nằm trong khu chợ Cầu Muối, trên đường Marchaise (sau đổi là Ký Con). Đến năm 1940, trường chuyển từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, trên trang mạng “Đà Nẵng Ngày Xưa Chưa Khuất” đã có ghi lại trường Chấn Thanh của Phan Bá Lân (dưới nhan đề Trước Trường Nhặt Tháng Ngày Qua) như sau:
“Vào cuối những thập niên 30, việc giáo dục, phát triển dân trí, hình như chưa được dân Ðà Nẵng quan tâm đến nhiều. Theo ông Nguyễn Rô, một đốc sự hành chánh thượng hạng, có bằng cử nhân luật, trưởng thành, sinh sống, làm việc tại Ðà Nẵng, cho biết: Mái trường có vài lớp trung học đầu tiên tại thành phố Ðà Nẵng là trường Chấn Thanh của ông Phan Bá Lân thành lập năm 1940…” (http://www.luanhoan.net/danang/0danang.htm)

[4] Theo Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam của Tr. Phạm Văn Nhơn sưu tầm và biên soạn, nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 2009, trang 84. “Chị Đại Giác Linh ở 3 Général Lema là Bầy trưởng Bầy Chim Con đầu tiên ở Sài Gòn.” Theo báo “Hướng Đạo” số 18, năm thứ Hai, tháng 6 năm 1936 thì Bầy Chim Non này gọi là Đàn Giác Linh gồm có 3 ổ (une couvée) bao gồm Hồng Giác Linh, Thanh Giác Linh và Huỳnh Giác Linh.

[5] Thống đốc Nam Kỳ ký quyết định cho phép Câu Lạc Bộ Quốc Tế Ngữ Nam Kỳ được phép hoạt động. Nhóm lãnh đạo tinh thần này có Luật sư Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Kỉnh, Phan Bá Lân… Hội quán câu lạc bộ đặt tại 93 rue Marcel Richard, Saigon (đường này sau đổi là Tự Đức, đoạn giữa Mạc Đỉnh Chi và kinh Nhiêu Lộc).
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét